Sẽ cấp đủ vốn điều lệ cho các doanh nghiệp thành viên Vinashin

Ngày 14-8, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và một số thành viên Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc với tập thể Ban Giám đốc, kỹ sư, công nhân viên một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại Quảng Ninh và Hải Phòng

Ngày 14-8, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và một số thành viên Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc với tập thể Ban Giám đốc, kỹ sư, công nhân viên một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại Quảng Ninh và Hải Phòng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm thăm Công ty đóng tàu Hạ Long(Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm thăm Công ty đóng tàu Hạ Long(Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Buổi làm việc này nhằm triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin, ngay sau ngày được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban.

Tại Công ty đóng tàu Hạ Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thép Cái Lân và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng, vấn đề khó khăn nổi cộm là tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng.

Thiếu vốn đã dẫn đến chậm tiến độ các dự án, tiến trình sản xuất, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của cán bộ, công nhân viên cũng bị giảm sút. Các đơn vị này tha thiết đề nghị Ban Chỉ đạo tìm cách sớm hỗ trợ vốn để hoàn thành các dự án dở dang, bảo đảm đời sống người lao động, duy trì và mở rộng sản xuất.

Là một trong những công ty thành viên được đầu tư lớn nhất của Tập đoàn, trong những năm qua, Công ty đóng tàu Hạ Long đã và đang đầu tư vào sáu dự án chủ yếu cho ba dây chuyền sản xuất, đóng mới với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.

Hiện công ty đã đóng thành công và bàn giao cho chủ tàu châu Âu, Nhật Bản một tàu chở ôtô 4.900 xe, sáu tàu loại trọng tải 53.000 tấn, ba tàu chở gỗ loại trọng tải 8.700 tấn. Tuy nhiên, công việc thi công đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ giao hàng, có nguy cơ tiếp tục bị cắt bỏ hợp đồng và không hoàn thành nhiệm vụ.

Bằng sự hỗ trợ của Tập đoàn, Công ty mới trả lương hết tháng 6 và một phần tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vật tư thiết bị để hoàn thiện nốt các dự án dở dang, không tìm được người bảo lãnh vay vốn. Trong bối cảnh đó, nợ của các chủ tàu lại khá nhiều; tâm lý người lao động không ổn định.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thép Cái Lân được đầu tư với công suất 1 triệu tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu là các loại thép tấm cán nóng phục vụ ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu thép tấm cường độ cao cho nồi hơi và các đường ống khí đốt và dầu mỏ.

Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng là đơn vị thuộc diện đầu tầu của Vinashin, với hơn 4.500 lao động, đã ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đây cũng là đơn vị được Tập đoàn đầu tư thực hiện dự án xây dựng Nhà máy chế tạo và lắp ráp động cơ diesel Bạch Đằng nhằm hình thành một cơ sở chế tạo, lắp ráp động cơ máy chính tàu thủy, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành đóng tàu.

Đến nay, dự án này đã bước đầu thực hiện thành công với việc lắp ráp hoàn thiện cỗ máy đầu tiên trang bị cho tàu hàng 22.500 tấn, tạo tiền đề quan trọng trong việc thực hiện chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành đóng tàu Việt Nam. Theo lãnh đạo Tổng Công ty, nếu được đầu tư đầy đủ và đồng bộ, đến năm 2015, Tổng Công ty sẽ nội địa hóa được 50% các chi tiết của động cơ tàu thủy.

Chia sẻ với lo lắng về vốn của các doanh nghiệp thuộc Vinashin, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các hạn mức tín dụng xung quanh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ và cho vay mới của Tập đoàn.

Qua theo dõi từ phía các tổ chức tín dụng, những doanh nghiệp thuộc Vinashin hoạt động trong lĩnh vực truyền thống của ngành đều đạt hiệu quả, đây có lẽ là bài học quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của Vinashin, ông Tiến nhận xét.

Cũng tại các buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng cho biết sẽ có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị thành viên của Vinashin trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ.

Trên tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp đóng tàu - lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế biển quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Chính phủ trong việc tái cơ cấu Vinashin, thúc đẩy đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Sau khi lắng nghe những vướng mắc, khó khăn trong công việc và đời sống của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động các đơn vị trên, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Những khó khăn vẫn nằm trong tầm kiểm soát và chúng ta có đủ khả năng để giải quyết tình hình này!”

Phó Thủ tướng cho rằng, cần ghi nhận những thành tựu, sự trưởng thành của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam với những sản phẩm tàu biển có tải trọng ngày một lớn, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu cũng đã và đang được triển khai; một đội ngũ các kỹ sư lành nghề, có thể tự thiết kế được tàu thủy và một dây chuyền với những công nhân kỹ thuật có chứng chỉ quốc tế cũng đã được hình thành.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đồng sức đồng lòng tái cơ cấu Vinashin một cách toàn diện. Đó là sự hợp lực mạnh mẽ, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức tài chính, các công ty thành viên và đặc biệt quan trọng là đội ngũ công nhân, người lao động của Tập đoàn. Chỉ có như vậy mới có thể tháo gỡ tồn tại, thúc đẩy sản xuất, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Phó Thủ tướng chỉ rõ Công ty đóng tàu Hạ Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thép Cái Lân và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng cần xác định rõ vị trí, vai trò của mình trong Tập đoàn; gương mẫu đi đầu trong việc tái cơ cấu sao cho bảo đảm mục tiêu, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, ba đơn vị không được chậm lương, bảo hiểm xã hội để đội ngũ công nhân yên tâm lao động sản xuất.

Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ cấp đủ vốn điều lệ cho các doanh nghiệp thành viên trên cơ sở tính toán lại mức vốn phù hợp với từng đơn vị. Ban Chỉ đạo cũng sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng để tìm ra giải pháp tốt nhất tháo gỡ tình trạng thiếu vốn của Tập đoàn.

Theo Phó Thủ tướng, việc tái thiết Vinashin sẽ bắt đầu bằng những giải pháp rà soát lại danh mục các dự án của Tập đoàn, cơ cấu lại hệ thống tổ chức, các đơn vị thành viên. Vinashin mới sẽ tập trung vào đóng tàu và sửa chữa tàu, phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề về đóng tàu để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Vốn của Tập đoàn cũng sẽ được cơ cấu lại, gồm vốn của Nhà nước và vốn từ các tổ chức tín dụng...

TTXVN

Đọc thêm