Nếu tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ thông qua, “giới hạn” về số lượng sân golf theo quy hoạch sẽ bị phá vỡ.
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Sân golf: Những dự án “bia kèm lạc”
Theo tờ trình về “tình hình thự hiện quy hoạch sân golf đến năm 2020 theo Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng, số lượng sân golf trên cả nước được “bổ sung” thêm 25 dự án.
Trước đó, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, đến năm 2020, cả nước có 90 sân golf nằm trên địa bàn 34/63 tỉnh, thành phố. Trước khi có quy hoạch sân golf, cả nước dự kiến có 166 sân golf, đã loại ra 76 sân, thu hồi 15.600 ha đất các loại.
Hiện nay, trong số 59/90 dự án đã được giao đất, cho thuê đất thì có 27 dự án thực hiện xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, 32 dự án đang được thực hiện.
Gọi là sân golf, nhưng một đánh giá của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong tổng số 90 dự án sân golf nằm trong quy hoạch, có 21 dự án là kinh doanh sân golf đúng nghĩa, còn lại 69 dự án khác được triển khai theo phương thức “bia kèm lạc”. Theo đó, 69 sân golf này kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch. Bộ này khẳng định, “sân golf chỉ là một dự án thành phần”.
Theo thống kê của bộ này, trong số 90 sân golf được duyệt, mới có 24 sân golf đang hoạt động, 25 sân khác đang trong giai đoạn xây dựng, 13 sân mới được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, 23 sân khác được chấp nhận chủ trương đầu tư và 5 sân đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.
Mặc dù đưa ra đề xuất bổ sung thêm sân golf, nhưng Bộ KH&ĐT cũng thống kê nhiều cái “dở” của các chủ đầu tư dự án. Theo đó, hiện mới chỉ có 13 chủ đầu tư sân golf sử dụng đất đúng mục đích, xây dựng đúng tiến độ và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt. Có tới 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ hoặc sai quy định như làm sân golf khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Cùng với đó, có 9 dự án chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Khó đạt mục tiêu
Bộ KH&ĐT nói rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện việc xây dựng sân golf theo đúng quy hoạch được duyệt và có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch xây dựng sân golf tại các địa phương. Báo cáo này cũng cho thấy việc quy hoạch sân golf ở các địa phương đều xác định rõ mục tiêu, quan điểm, điều kiện hình thành, tiêu chí xây dựng trên cơ sở sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt không sử dụng đất lúa, đất màu để đầu tư sân golf.
Mặc dù là đơn vị làm tờ trình, đề xuất, tuy nhiên, nhìn vào danh sách các dự án sân golf nằm ngoài quy hoạch, chờ được bổ sung lần này, thì có vẻ nhiều dự án sẽ không “lọt sổ” với chính tiêu chí do chính Bộ KH&ĐT đề ra.
Theo đó, bộ này đề xuất “không xem xét cấp thêm chủ trương đầu tư các dự án sân golf”, nếu những dự án này “có sử dụng đất trồng lúa, đất màu, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng”…
Với tiêu chí là vậy, nhưng trong danh sách các sân golf đề nghị được bổ sung vào quy hoạch sân golf đến năm 2020, xuất hiện khá nhiều dự án “ăn” cả “đất trồng lúa”.
Tại tỉnh Thái Nguyên, dự án sân golf Yên Bình (195 ha) có tới 6,85ha sử dụng đất lúa, sân golf Long Sơn với quy mô 94 ha thì phải “đụng” đến 4,6 ha đất lúa.
Tại tỉnh Bắc Ninh, sẽ có 4,5 ha đất lúa “nhường chỗ” cho dự án sân golf tại khu đô thị Nam Sơn – Hạp Lĩnh, dự án này có quy mô 100 ha.
Việt Hưng