Hết thời hiệu, người dân còn cơ hội để bồi thường?
Thông qua Chương trình, các bên liên quan đã quan tâm hơn đến công tác phối hợp tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC)… Cũng qua công tác giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết KN,TC, qua đó đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách có liên quan. Tuy nhiên, tình hình KN,TC của công dân trong những năm gần đây khá phức tạp; một số vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết…
Trước vấn đề trên, ông Hoàng Ngọc Biên, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt câu hỏi: “Chúng tôi nhận thấy không ít vụ việc khiếu kiện kéo dài có nhiều dấu hiệu làm sai của chính quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng khiến người dân bị thiệt hại lớn cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng vụ việc lại liên quan đến thời hiệu giải quyết. Nếu đưa vào chương trình giám sát thì chúng ta đã củng cố lại thời hiệu.
Đối với các địa phương thì người ta thường im lặng để cho sự việc trôi đi, vậy trách nhiệm của chúng ta trong những năm tới và có giám sát những trường hợp này không?”. Ông Biên không khỏi lo lắng: “Nếu có giám sát thì sẽ có kết luận của Mặt trận, thời hiệu sẽ được phục hồi lại, quyền lợi người dân sẽ được giải quyết, nhưng tính chất xã hội sẽ phức tạp thêm”.
Đồng tình với quan đểm trên, ông Dương Văn Huế (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận: nhìn vào hồ sơ thì thấy có những vụ xử lý chưa đúng, nhưng nếu xử lý lại thì “hậu” của nó sẽ ra sao, giải quyết thế nào cho thỏa đáng nếu người dân bị thiệt hại quá lớn?
Giám sát phải đi đến cùng
Liên quan đến công tác hậu giám sát, nhiều đại biểu đề nghị liên ngành phải đeo bám vụ việc đến cùng. “Ngoài giám sát các vụ việc mới thì những vụ việc còn tồn tại trong năm qua nên tiếp tục đưa vào Chương trình giám sát trong năm tiếp theo để tránh tình trạng làm nửa chừng, làm không đến nơi đến chốn” - bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề xuất.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long băn khoăn: Chúng ta thực hiện giám sát nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết và xử lý. “Nếu chúng ta thực hiện giám sát mà không đeo bám được những đề xuất, kiến nghị của chúng ta thì nhiều khi việc giám sát sẽ không có tác dụng. Bởi vậy, theo tôi trong năm 2016, đối với những vụ việc mà chúng ta đã có kết luận và kiến nghị thì tiếp tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nếu có thể thì tách một số cán bộ chuyên trách để theo dõi việc này”.
Trước ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các cơ quan phối hợp tiếp tục theo dõi việc giám đã có kết luận, kiến nghị trong năm qua mà cơ quan chức năng chưa thực hiện. “Đã giám sát ở cấp Trung ương rồi thì không thể để vụ việc chìm vào im lặng”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trước ngày 30/3/2016, các bên phải ký kết được Chương trình giám sát của năm 2016. Hiện việc giám sát mới chỉ tập trung ở Trung ương và cũng mới có 30 tỉnh, thành ký kết Chương trình phối hợp. Làm thế nào để trong năm nay, tất cả các địa phương đều ký kết Chương trình phối hợp và mỗi địa phương ít nhất phải giám sát được một vụ việc. Các bên tham gia chương trình phối hợp lựa chọn một số vụ việc KN, TC tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của công dân để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết.