Sẽ quy định 3 chế độ quản lý với ‘dao có tính sát thương cao’

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhất trí với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng.
Dao có tính sát thương tới đây sẽ được quản lý. (Ảnh minh họa vietnam.vn)
Dao có tính sát thương tới đây sẽ được quản lý. (Ảnh minh họa vietnam.vn)

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XV, thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số đại biểu QH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) đã chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trong đó, đáng chú ý, về quy định dao có tính sát thương cao, Thường trực Ủy ban QPAN cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định dao có tính sát thương cao trong dự thảo Luật làm cơ sở quản lý và xử lý hành vi vi phạm đối với các trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao. Có ý kiến đề nghị không bổ sung quy định “dao có tính sát thương cao” trong dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để bảo đảm tính khả thi; đề nghị không quy định về chiều dài lưỡi dao, độ sắc, nhọn hoặc các thông số kỹ thuật của dao vì không phù hợp, không khả thi; chỉ nên quy định về đặc tính, tính năng để dễ vận dụng vào thực tiễn. Một số ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa bao hàm hết các loại công cụ, phương tiện dùng trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày nhưng có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân; đồng thời không phù hợp với quy định khai báo vũ khí thô sơ tại Điều 32 của dự thảo Luật. Ý kiến khác đề nghị quy định danh mục cụ thể để áp dụng.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, trang bị, quản lý, sử dụng, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu dao có tính sát thương cao; đề nghị quy định không được phép mang theo người, khi mang phải có giấy phép hoặc phải có những thủ tục đặc biệt, quy định cụ thể đối với những khu vực, địa bàn cấm không được mang theo, không được sử dụng; đề nghị quy định một điều riêng để phân biệt trường hợp dao là vũ khí và trường hợp dao là vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày để có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi.

Thường trực Ủy ban QPAN nhất trí với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào dự thảo Luật nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao. Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở ý kiến đại biểu QH, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao” như sau: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”.

Trên cơ sở giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao”, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng. Cụ thể, trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. Theo đó, Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị bổ sung Điều 32a về “quản lý, sử dụng dao có tính sát thương cao” vào dự thảo Luật, làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích “sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ” sẽ quy định là vũ khí thô sơ. Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích “sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật” sẽ quy định là vũ khí quân dụng.

Với quy định này, các hành vi liên quan đến dao có tính sát thương cao không có động cơ, mục đích sẽ không bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi liên quan đến vũ khí theo quy định tại Điều 304, Điều 306 Bộ luật Hình sự; chỉ trong trường hợp có gắn với mục đích sử dụng theo quy định thì mới xác định là vũ khí quân dụng hoặc là vũ khí thô sơ.

Đọc thêm