Sẽ siết chặt quy định về cấp giấy phép lái xe

(PLVN) - Bộ Công an cho rằng, trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Sẽ siết chặt quy định về cấp giấy phép lái xe

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an nhận thấy có nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện hiện nay.

Theo Bộ Công an, các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe không được quy định trong Luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập, qua các công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe, có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe…

Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Vì vậy, dự thảo Luật đã dành nhiều quy định về tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ; kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy định trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện và các tổ chức, cá nhân khác gây cản trở, mất an toàn giao thông đường bộ....

Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách căn bản phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa, tiết kiệm chi phí cho nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức và trách nhiệm của các chủ thể trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. 

Dự thảo cũng quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, trong đó xác định Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy định này nhằm khắc phục tồn tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa phù hợp, dẫn đến không xác định được trách nhiệm của bộ, ngành, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Dự thảo Luật mới quy định rõ điều kiện của người lái xe tham gia giao thông; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe; điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông…Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định về sát hạch lái xe. Cụ thể, người được xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe phải đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch.

 Dự thảo đồng thời cũng quy định Trung tâm sát hạch lái xe phải có đủ điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cơ chế vận hành và đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe.

Với những quy định mới, việc xây dựng dự thảo Luật nói trên hy vọng sẽ giải quyết được những vấn đề giao thông bức xúc từ thực tiễn, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Đọc thêm