Sẽ sửa đổi, bổ sung điều kiện bổ nhiệm lại

(PLO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (THADS) do Tổng cục THADS xây dựng, đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Đội ngũ cán bộ THADS Hưng Yên. Ảnh minh họa.
Đội ngũ cán bộ THADS Hưng Yên. Ảnh minh họa.

Việc ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BTP theo Tổng cục THADS đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác tổ chức, cán bộ của Hệ thống THADS. Thông tư đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới theo hướng nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức của Hệ thống và quy định chặt chẽ hơn về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý và để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ. 

Tuy nhiên, Tổng cục THADS cho biết, trong thời gian gần đây do một số văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ mới được ban hành, đặc biệt là ngày 19/12/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 105- QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; ngày 01/3/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 328/QĐ-BTP), trong đó hướng dẫn quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nên một số quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BTP chưa phù hợp, do đó việc sửa đổi Thông tư số 02/2017/TT-BTP về quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan THADS là cần thiết. 

Một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 02 nói trên là quy định về điều kiện bổ nhiệm lại. Tại khoản 6 Điều 43 Thông tư quy định một trong các điều kiện để bổ nhiệm lại là “Chưa đảm nhiệm đủ thời gian hai nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang được xem xét bổ nhiệm lại; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định”. 

Quy định này được hiểu là áp dụng chung cho tất cả các công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, không phân biệt cấp trưởng, cấp phó. Đây là điểm mới của Thông tư số 02/2017/TT-BTP nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong việc chuyển đổi vị trí công tác đối với Lãnh đạo đơn vị đã giữ chức vụ 02 nhiệm kỳ. Nếu thực hiện triệt để quy định này sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng trì trệ, giảm sút ý chí phấn đấu khi đã giữ chức vụ quá lâu tại một vị trí. 

Tuy nhiên, theo Tổng cục THADS trong thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do số lượng cấp phó trong Hệ thống nhiều với 21 Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục, 136 Phó Cục trưởng, gần 1.100 Phó Chi cục trưởng, trong đó, số lượng cấp phó đã giữ chức vụ từ 02 nhiệm kỳ trở lên chiếm tỷ lệ tương đối lớn. 

Việc bổ nhiệm lại vị trí lãnh đạo cấp phó ở các đơn vị trong hệ thống được thực hiện ở các thời điểm khác nhau, nên việc bố trí, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác đối với cấp phó gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không thể bố trí được. 

Mặt khác, nếu thực hiện triệt để quy định trên thì cần phải điều động một số lượng rất lớn cán bộ, điều này sẽ ảnh hưởng tới tính ổn định trong Hệ thống THADS, gây tâm lý bất ổn, không yên tâm công tác đối với nhiều công chức đang giữ chức vụ cấp phó.

Hiện nay, có nhiều trường hợp đã tới thời hạn bổ nhiệm lại nhưng do không bố trí, chuyển đổi được vị trí công tác nên đang phải kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ. Điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng của công tác cán bộ và tâm lý của cán bộ. 

Do đó, để đảm bảo thống nhất với các quy định khác của pháp luật và để phù hợp với thực tiễn, tại dự thảo Thông tư, Tổ soạn thảo đề xuất bỏ quy định tại khoản 6 Điều 43 Thông tư số 02/2017/TT-BTP. Đồng thời bổ sung khoản 7 của Điều 21 quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đến đơn vị khác đối với công chức giữ chức vụ cấp trưởng 02 nhiệm kỳ.

Hiện nay, tại Quy chế của Bộ nội dung này cũng được quy định (tại Điều về thời hạn giữ chức vụ). Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bỏ tiêu chuẩn “có năng lực nổi trội và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch chức danh Cục THADS hoặc trong quy hoạch chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS của đơn vị có số lượng việc lớn trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó” đối với tiêu chuẩn của chức danh Chánh Văn phòng Cục THADS.

Đọc thêm