Hiện nay, Việt Nam áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng (số kWh) sử dụng. Một chuyên gia năng lượng cho rằng, đây chính là “điểm nghẽn” lớn nhất về cung ứng năng lượng của Việt Nam. Điều này thể hiện giá cung cấp năng lượng chưa phản ánh đầy đủ chi phí cung cấp năng lượng, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp.
Giá điện của Việt Nam hiện mới chỉ có thành phần “giá năng lượng”, chưa có thành phần “giá công suất”. Điều này có nghĩa là khách hàng (đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp sản xuất) mới chỉ phải trả tiền điện theo số điện năng sử dụng, chưa phải trả giá công suất. Để giải thích rõ hơn về chi phí công suất cần thiết phải chi trả trong giá cung ứng năng lượng, chuyên gia này dẫn ví dụ một nhà máy nhiệt điện lớn, do nhiều yếu tố nên hiện nay nhà máy này vẫn chưa xây dựng xong, trong khi đó, đường dây truyền tải điện đấu nối từ nhà máy này đến hệ thống điện quốc gia đã hoàn thành.
“Thực tế, sẽ có thể xảy ra nhiều tình huống mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuẩn bị xong tất cả các khâu để bán điện nhưng doanh nghiệp lại chậm tiến độ hoặc nhà máy thu hẹp sản xuất, không sử dụng sản lượng điện như ban đầu. Nếu sử dụng giá điện 1 thành phần, EVN chỉ thu được lượng điện sử dụng nhưng theo giá công suất và giá năng lượng thì rõ ràng trong trường hợp này EVN cũng sẽ được chia sẻ bớt phần đã đầu tư” - vị chuyên gia nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giá công suất hiểu đơn giản nhất thì giống như tiền thuê bao điện thoại mà ngành viễn thông vẫn thu của khách hàng (bên cạnh số phút gọi phải trả tiền thì khách phải trả tiền thuê bao hàng tháng). Đánh giá về tác động của giá điện hai thành phần, ông Minh Đức cho biết, cơ chế này công bằng hơn, bởi nó phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng.
“Ví dụ, 2 khách hàng sử dụng điện là một nhà hàng và một nhà máy. Nhà máy hoạt động đều 24/24h, điện năng tiêu thụ ổn định. Nhà hàng thì chỉ sử dụng nhiều điện vào bữa trưa và bữa tối. Nếu sản lượng điện hai bên dùng như nhau thì công suất cực đại của nhà hàng lớn hơn, như vậy đường dây, trạm biến áp phải chuẩn bị công suất lớn hơn, chi phí lớn hơn” - ông Đức nói. Do đó, theo ông Đức, khi áp giá điện 2 thành phần sẽ giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Bên cạnh đó, tránh việc các khách hàng cứ đăng ký công suất lớn rồi không dùng, gây nên lãng phí đầu tư cho ngành điện.
Sẽ sớm thí điểm giá điện 2 thành phần
Đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 288/BCT-ĐTLT gửi EVN đề nghị đơn vị này nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần, đồng thời xây dựng lộ trình, đề xuất đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện 2 thành phần này. Mới đây, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn này sẽ báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm các cơ chế giá điện 2 thành phần ngay trong năm 2024.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm với tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới chi phí tiền điện của khách hàng. Do đang ở bước tính toán thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên cũng chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Hòa đánh giá đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện mới để áp dụng khi phù hợp. Ngoài ra, kết quả tính toán cũng sẽ cung cấp thông tin đến khách hàng để có thể cân nhắc, điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới thông tin, hiện rất nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện 2 thành phần bao gồm giá điện năng và giá công suất. Cách tính giá điện 2 thành phần bảo đảm biểu giá điện phản ánh thực tế chi phí cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch và khuyến khích sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Trong đó, giá công suất sẽ phản ánh các chi phí cố định của hệ thống như các đầu tư hạ tầng, vận hành và bảo dưỡng hệ thống. Giá điện năng phản ánh chi phí biến đổi và lượng điện năng sử dụng. Khách hàng dùng điện sẽ được khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn khi có sự rõ ràng trong hóa đơn tiền điện các chi phí mà họ phải trả.