Đây đích thực là một kiểu “đảo Đầu Lâu” giống trong siêu phẩm King Kong danh tiếng.
Xứ sở không hiếu khách
Nằm ngay trong quần đảo Andaman thuộc Vịnh Bengal, giữa Ấn Độ và Myanmar, là một hòn đảo nhỏ bé, nhiều cây cối đẹp đẽ, chỉ rộng độ 23 dặm vuông gọi tên là Bắc Đảo Sentinel.
Nhìn từ xa, dải đất rợp mát bóng dừa, những rạn san hô và màu nước biển xanh lục bảo có thể khiến cho quý vị tưởng như mình đang lạc bước đến thiên đường. Khi du khách hí hửng chuẩn bị tấp lên đảo thì bỗng đâu nghe tên bay vèo vèo trên đầu, cùng những âm thanh như một giọng nói lạ hoắc.
Bắc Đảo Sentinel với người Sentinel được cho là hậu duệ của lớp người Phi đầu tiên đến đây, có thể đã khoảng 6 vạn năm qua. Họ sống từ thời kỳ Đồ Đá, hái lượm-săn bắn, không có bằng chứng về làm nông, nằm trong số những bộ lạc sống cô độc nhất so với phần còn lại của thế giới.
Có rất ít thông tin về bộ lạc này. Họ không chắc đã biết cách làm ra lửa để nấu nướng thức ăn nhưng lại rất tài tình trong việc chế tạo cung, nỏ, giáo mác và tỏ ra gan dạ khi sử dụng các thứ vũ khí này. Người Sentinel cũng nổi tiếng với các hành động bạo lực chống lại sự hiện diện của người lạ, trong lịch sử đã từng có những vụ va chạm đẫm máu khi người ta tìm cách đến gần làng của họ.
|
Bắc đảo Sentinel, một nơi thần bí trong quần đảo Andaman, gần Ấn Độ |
Mặc dù Bắc Đảo Sentinel được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1771 bởi nhà khảo sát John Ritchie, trong lúc đang trên chiếc tàu của công ty Đông Ấn Anh tên là Diligent đi ngang qua. Mùa hè năm 1867, tàu buôn Ấn Độ Nineveh cũng đã chạm trán người Sentinel. Những người sống sót tỏ ra lép vế trước sức tấn công hung hãn của cư dân trên đảo, cuối cùng may mắn họ được cứu sống bởi một tàu hải quân Hoàng gia Anh.
Các sự kiện này đã thổi bùng sự tò mò của dư luận phương Tây đối với hòn đảo Sentinel. Năm 1880, một cuộc thám hiểm của quân đội Anh được phát động nhằm cố gắng bắt liên lạc với bộ lạc thần bí. Đoàn thám hiểm được dẫn đầu bởi Maurice Vidal Portman, bao gồm những chiến sĩ vũ trang tinh nhuệ cùng những người hướng dẫn Andaman.
Khi đổ bộ lên Bắc Đảo Sentinel mà không gặp bất kỳ sự chống đối nào, đoàn thám hiểm đã đi sâu vào cánh rừng già và không nhìn thấy ai cả, chỉ thấy những tuyến đường mòn và bằng chứng của một cộng đồng với những túp lều và những cái hố để thực phẩm, ngôi làng có vẻ như bị bỏ hoang phế, chỉ còn lại các tàn tích như thời tiền sử.
Trong gần cả tuần, cả đoàn thám hiểm không tìm thấy bất kỳ cư dân nào, nhưng sang ngày thứ 6, họ đã thấy một gia đình Sentinel với một cặp cha mẹ lớn tuổi và 4 đứa trẻ đang lang thang trong rừng. Các nhà thám hiểm Châu Âu đã bắt gia đình này và đưa họ tới tận Port Blair, thủ phủ của quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar. Tại đây, đôi cha mẹ nhanh chóng chết vì bệnh tật do không có khả năng miễn dịch; 4 đứa trẻ lại được trả lại Bắc Đảo Sentinel cùng với những món quà.
Các lần sau đó, Maurice Vidal Portman lên đảo Sentinelese mà không bị người bản địa làm khó dễ, nhưng ông là trường hợp hiếm có. Một nhóm tù nhân Ấn Độ vượt ngục đã trôi dạt lên đảo Sentinelese vào năm 1896. Hai người chết khi chiếc bè chở họ đụng vào rạn san hô, người thứ 3 khi được tìm thấy chỉ còn là cái xác với cổ họng bị cứa đứt và nhiều mũi tên trên mình.
|
Cư dân trên đảo Sentinel có lối sống thần bí và nổi tiếng hiếu chiến với người lạ có ý định xâm nhập đảo của họ |
Tới tháng 3/1970, nhà Nhân chủng học người Ấn Độ-Triloknath Pandit cố gắng bắt liên lạc với cư dân Sentinel. Khi tàu của ông gần đến đảo, dân đảo đã giương cung lăm le chực bắn. Thủy thủ trên tàu sợ hãi đã ném cá xuống biển như là hành động xoa dịu cơn giận dữ của dân đảo nhưng không ăn thua, các cung thủ Sentinel nhanh chóng vãi mưa tên buộc tàu phải lùi ra xa.
Mùa Xuân năm 1974, khi một toán các nhà Nhân chủng học và nhiếp ảnh gia viếng thăm hòn đảo nhằm bấm máy cho bộ phim “Người tìm Người” cùng với cảnh sát có vũ trang hộ tống, người Sentinel đã ngay tức khắc vãi tên về phía con tàu khi nó chạy đến gần đảo, khiến một thành viên trong đoàn phim bị trúng tên ở đùi.
Không hề thoái chí, đoàn làm phim hạ neo ở bờ biển, mang lên bờ rất nhiều quà gồm búp bê, xe hơi đồ chơi, nồi nấu ăn, dừa, lợn sống, sau đó nhanh chân lẩn đi để tránh tên bắn. Người Sentinel cũng lấy quà tặng, nhưng họ chôn búp bê và xe hơi đồ chơi, chỉ giữ lại dừa và nồi nấu ăn. Con lợn bị giết nhưng bị chôn xuống đất, có lẽ họ không nghĩ rằng lợn là để ăn mà cho rằng lợn là sinh vật lạ. Xoay sở hết cách, đoàn làm phim vẫn không đạt được ước nguyện hợp tác với dân đảo.
Năm 1981, chiếc tàu chở hàng MV Primrose cũng bị mắc kẹt tại vỉa san hô ở Bắc Đảo Sentinel và thủy thủ xoay sở để ngăn cản dân hòn đảo này tiến tới tàu để tước lấy vũ khí. Nhằm không gây chiến tranh với người Sentinel, thủy thủ tàu MV Primrose đã dùng súng phun lửa để đẩy lùi đà tấn công của người Sentinel, sau đó một máy bay trực thăng của Ủy ban khí đốt thiên nhiên và dầu hỏa Ấn Độ (IONGC) đã giải cứu họ. Bản thân con tàu Primrose bị dân đảo lấy sắt để làm dụng cụ và vũ khí.
Sắp tuyệt chủng
Ngày 4/1/1991, nhà Nhân chủng học Triloknath Pandit đã thực hiện một chuyến thám hiểm khác đến hòn đảo Sentinel, là “vụ chạm trán thân thiện cuối cùng trong lịch sử”, và lần này không khí ôn hòa hơn.
Tháng 9/1991, chính phủ Ấn Độ tiến hành cô lập đảo Sentinel bằng cách mở rộng vùng đặc quyền thêm 3 hải lý xung quanh đảo này, đến năm 1996 còn mở rộng hơn, dừng tất cả các nỗ lực từ bên ngoài tiếp cận cư dân đảo Sentinel. Ước tính rằng dân số của người Sentinel khoảng vài trăm người, không phát triển bất kỳ biện pháp miễn dịch nào đối với bệnh tật, khiến cho họ dễ tổn thương với bệnh dịch, người Sentinel đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Stephen Corry, giám đốc của tổ chức nhân quyền Survival International, phát biểu: “Gần đây với sự tuyệt diệt của người Bo khi thành viên cuối cùng đã chết cách đây 4 năm, muốn cho người Sentinel không bị tuyệt diệt thì chính quyền Andaman phải đảm bảo rằng người Bắc Đảo Sentinel phải được bảo vệ trước kẻ lạ”.
|
Nhà nhân chủng học người Ấn Độ, Triloknath Pandit, một chuyên gia nghiên cứu về người Sentinel |
Trận động đất và sóng thần trên biển Ấn Độ Dương hồi năm 2004 đã tàn phá nặng nề Bắc Đảo Sentinel, khiến cho một phần hòn đảo bị chìm, lòi chân rạn san hô, thay đổi cảnh quan. Người ta cho rằng người Sentinel khó có thể sống sót trong thảm họa kinh khủng này, nhưng họ vẫn sống lay lắt đến tận ngày nay. Khi một máy bay trực thăng của lực lượng tuần duyên Ấn Độ bay khảo sát trên đảo Sentinel, một cư dân Sentinel từ trong rừng chạy ra, thân thể cường tráng, giương cung bắn lên trời.
Có vẻ như vẫn còn lại số ít người Sentinel đang sống trên đảo, nhưng họ ngày một cao tuổi và không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Năm 2006, 2 ngư dân bắt cua bất hợp pháp dọc theo rạn san hô đã bị người Sentinel tấn công và bắt cóc.
Cả nước Ấn “sốc”, các xác chết vẫn nằm trên bãi biển và người ta tranh luận có nên lấy xác đi chôn không hay cứ để nằm đó. Cuối cùng, một chiếc trực thăng đã đến để mang xác đi, nhưng cư dân đảo Sentinel hung dữ tấn công với màn mưa tên buộc chiếc trực thăng phải lẩn mất.
Đối với người Sentinel, Bắc Đảo Sentinel là thế giới và vũ trụ của họ. Không sao giải thích được hành động hung hăng của bộ lạc này đến từ đâu. Sau hết, tất cả những người bên ngoài là sinh vật lạ cần phải đánh đuổi đi.
Chỉ một điều chắc chắn rằng, người Sentinel đang sống rất yên ổn, an toàn, khỏe mạnh, và luôn cảnh giác để chống trả mạnh mẽ tất cả những ai có ý đồ lên đảo của họ. Cuộc sống của họ ra sao trên một hòn đảo nhỏ bé ngay giữa đại dương mênh mông, vẫn là một bí ẩn khó trả lời. Sự tồn tại của họ còn bao lâu nữa vẫn là câu hỏi không lời đáp…/.