Shark Liên: Chính phủ cần ưu tiên doanh nghiệp dân tộc trong các dự án đấu thầu lớn

(PLVN) -Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Công ty Aquaone cho rằng “Doanh nghiệp dân tộc không đơn thuần là một khái niệm kinh tế, mà còn là trách nhiệm với Tổ quốc”.
Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Công ty Aquaone

Doanh nghiệp dân tộc : Trách nhiệm và sứ mệnh vì một Việt Nam thịnh vượng

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đây được xem là cột mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng doanh nhân - lực lượng đóng vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nghị quyết không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ doanh nhân vươn lên mà còn đặt ra yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp dân tộc, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng vào thế giới, khái niệm “doanh nghiệp dân tộc”là gì và làm thế nào để xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thực sự vững mạnh vẫn là bài toán cần được giải đáp. Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu này đang là vấn đề được đặt ra với nhiều góc nhìn và cách hiểu khác nhau.

Nên hiểu thế nào về doanh nghiệp dân tộc?

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT Công ty Aquaone cho biết, “Doanh nghiệp dân tộc có thể hiểu là những doanh nghiệp không chỉ hoạt động vì lợi nhuận mà còn gắn bó mật thiết với các giá trị cốt lõi của đất nước của dân tộc. Họ là lực lượng tiên phong trong các lĩnh vực trọng yếu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Shark Liên cũng cho rằng doanh nghiệp dân tộc không đơn thuần là một khái niệm kinh tế, mà còn là trách nhiệm với tổ quốc.

AquaOne là một minh chứng mà Shark Liên đưa ra. Với sứ mệnh cung cấp nước sạch đạt chuẩn, AquaOne đã góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực thiếu nước sạch. Đồng thời, công ty còn hỗ trợ các ngành kinh tế trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

“Đối với chúng tôi, doanh nghiệp không chỉ là nơi tạo ra lợi nhuận mà còn phải là nơi kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng. AquaOne xem nước sạch không chỉ là sản phẩm mà còn là quyền cơ bản của con người,” Shark Liên nhấn mạnh.

Chính phủ cần có những chính sách đột phá

Để các doanh nghiệp dân tộc như AquaOne phát triển mạnh mẽ hơn, Shark Liên cho rằng Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá.

Đây là chìa khóa để doanh nghiệp dân tộc không chỉ tồn tại mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế.

Trước hết, các gói hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế, vay vốn với lãi suất thấp sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại và các dự án thân thiện với môi trường.

Song song đó, việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, chính phủ cần ưu tiên doanh nghiệp dân tộc trong các dự án đấu thầu lớn, để từ đó giúp họ có cơ hội tiếp cận các dự án trọng điểm, phát huy tối đa năng lực.

Chủ tịch Aquaone cho rằng, bên cạnh những chính sách quan trọng, thì một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp dân tộc là đẩy mạnh mô hình hợp tác công – tư (PPP). Đây là cách hiệu quả để tận dụng tối đa nguồn lực từ cả khu vực nhà nước và tư nhân trong các dự án lớn.

Các diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước cần được tổ chức thường xuyên hơn, giúp doanh nghiệp đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá trình xây dựng chính sách. Đồng thời, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp triển khai các dự án.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức

Shark Liên cũng cho rằng, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển thành lập các trung tâm nghiên cứu công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc tiếp cận nguồn lực khoa học tiên tiến.

Bên cạnh đó chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, quản trị và môi trường.Shark Liên nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nước là yếu tố quyết định để tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp dân tộc

Không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp dân tộc Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Nhu cầu phát triển các lĩnh vực như năng lượng, nước sạch, và công nghệ cao đang ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 41, cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp dân tộc đổi mới và phát triển bền vững.

Theo Shark Liên, các doanh nghiệp dân tộc Việt Nam khao khát được cống hiến cho sự phát triển của đất nước

Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn đa quốc gia đòi hỏi doanh nghiệp dân tộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, hạn chế về vốn, nhân lực, và sự ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp dân tộc cần đối mặt.

Shark Liên: "Doanh nghiệp dân tộc không chỉ là một khái niệm kinh tế mà còn là biểu tượng của trách nhiệm và khát vọng quốc gia"

Doanh nghiệp dân tộc không chỉ là một khái niệm kinh tế mà còn là biểu tượng của trách nhiệm và khát vọng quốc gia.

Để khái niệm này trở thành hiện thực, cần có sự đồng hành giữa nhà nước và doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp dân tộc là động lực phát triển kinh tế, là niềm tự hào của quốc gia. Với sự hỗ trợ đúng đắn từ chính sách và tinh thần đổi mới sáng tạo từ phía doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững, và thịnh vượng hơn trong tương lai,” Shark Liên nhấn mạnh.

Shark Liên cho rằng đối với doanh nghiệp dân tộc cần phải chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và định hướng phát triển dài hạn.

Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững và thịnh vượng.

Đọc thêm