Những năm qua, hoạt động khai thác, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố được quản lý khá chặt chẽ, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, do nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các công trình ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường... Vậy làm gì để ngăn chặn thực trạng này? Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Điểu (ảnh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Ông Điểu cho biết.
- Theo tài liệu điều tra của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 11 loại khoáng sản rắn và một nguồn nước nóng - nước khoáng. Trong đó kim loại có đồng, thiếc, wolfram, vàng; nguyên liệu gốm sứ có thủy tinh có cát thủy tinh; vật liệu xây dựng có đá xây dựng, đá hoa mỹ nghệ, laterit, cát cuội sỏi, sét… Tuy nhiên, nói về sự đa dạng, phong phú về chủng loại và trữ lượng khoáng sản thì trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thuộc dạng nghèo so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tính từ năm 1997 đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đã cung cấp cho thành phố trên 13 triệu m3 đá xây dựng, 2,6 triệu m3 cát xây dựng, 16,6 triệu m3 đất đồi, cát làm vật liệu san lấp. Tổng thu ngân sách từ năm 2005 - 2009 trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đạt 28,7 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên khoáng sản 10,2 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 18,5 tỷ đồng.
Những năm qua, hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư, nhà ở trên địa bàn thành phố sôi động, nên nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tránh lãng phí, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kịp thời những quy định, cụ thể hóa các văn bản pháp luật của Nhà nước.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng một số loại khoáng sản như cát sông, đất đồi đã được UBND thành phố phê duyệt. Chủ trương của thành phố là vừa khai thác để phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước mắt với các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý, hạn chế các tác động môi trường. Đồng thời, khoanh định những khu vực dự trữ bảo đảm để có thể đưa vào khai thác phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
* P.V: Dư luận cho rằng, hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu làm lợi cho doanh nghiệp, còn người dân trong vùng mỏ thì chịu thiệt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ông Nguyễn Điểu: Ngoài nộp các loại thuế theo quy định, doanh nghiệp còn phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Đối với người dân có đất và tài sản gắn liền trên đất trong vùng mỏ sẽ được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định khi thực hiện dự án khai thác. Bên cạnh đó, hằng năm Nhà nước đều dành một khoản ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có khoáng sản được khai thác, chế biến; tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho bộ phận nhân dân địa phương; doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, đất đai...
Tuy nhiên, một số khu vực gần các mỏ khai thác khoáng sản đã ít nhiều bị tác động bởi hoạt động khai thác và vận chuyển. Đặc biệt, hiện tượng khai thác trái phép đất đồi, cát sông vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch một số loại khoáng sản chưa được triển khai nên cơ quan chuyên môn còn lúng túng khi tham mưu cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản. Trước thực trạng này, các cơ quan liên quan, các địa phương đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để bảo đảm về mặt môi trường, nguồn thu ngân sách và quyền lợi của người dân.
* P.V: Tình trạng khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng gây bụi bẩn trên nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vậy Sở TN-MT có giải pháp nào để bảo vệ môi trường sống ở vùng mỏ?
- Ông Nguyễn Điểu: Các dự án khai thác khoáng sản trước khi được cấp giấy phép đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đưa ra các giải pháp khắc phục các tác động ấy. Do đó, để bảo vệ môi trường sống ở vùng mỏ, Sở TN-MT liên tục yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường. Đơn cử, để hạn chế bụi phát tán trong quá trình khai thác, doanh nghiệp phải có các giải pháp cụ thể xử lý bụi.
Trong quá trình chế biến và xúc bốc, phải sử dụng hệ thống phun nước tại những khâu phát sinh bụi. Khi vận chuyển, phương tiện phải chở đúng tải trọng và có bạt che theo đúng quy định; đường vận chuyển phải thường xuyên dọn vệ sinh... Thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng nghiêm túc thực hiện. Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở đã tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hoạt động làm ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản.
Trọng Hùng (Thực hiện)