Siết chặt quản lý mỹ phẩm và thuốc lá

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm quảng cáo tràn lan, quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, để siết lại việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc lá, mới đây, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư quản hai mặt hàng này.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm quảng cáo tràn lan, quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, để siết lại việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc lá, mới đây, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư quản hai mặt hàng này.

Nhãn mỹ phẩm phải rõ ràng

Theo Thông tư số 06/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm do Bộ Y tế vừa ban hành thì các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng...

Lực lượng chức năng đang kiểm tra thuốc lá ngoại nhập lậu. Ảnh minh họa.

Để đảm bảo tính công khai và thuận tiện cho người sử dụng, Bộ Y tế cũng nêu rõ: Nhãn mỹ phẩm phải được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ các nội dung bắt buộc.

Những thông tin sau phải bắt buộc ghi trên nhãn: Tên của sản phẩm và chức năng của nó (trừ khi dạng trình bày sản phẩm đã thể hiện rõ ràng chức năng của sản phẩm); Hướng dẫn sử dụng (trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ ràng cách sử dụng của sản phẩm); Thành phần công thức đầy đủ; Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng. Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn

Trường hợp kích thước, dạng hoặc chất liệu bao gói không thể in được đầy đủ các thông tin trên tại nhãn gốc, những nội dung bắt buộc này phải được ghi trên nhãn phụ đính kèm theo sản phẩm mỹ phẩm và trên nhãn mỹ phẩm phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nội dung quảng cáo phải phù hợp

Quảng cáo mỹ phẩm được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, trang thông tin điện tử (Internet, Website), sách, báo, tạp chí, tờ rơi, pano, áp phích…

Đáng lưu ý, các đơn vị chỉ được phép quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu các sản phẩm mỹ phẩm khi có Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN.

Nếu quảng cáo mỹ phẩm trên phương tiện truyền hình, truyền thanh thì các nội dung như: tên mỹ phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường; lưu ý khi sử dụng (nếu có) phải được đọc to, rõ ràng. Trường hợp hiển thị bằng chữ trên màn hình các nội dung trên thì tốc độ hiển thị phải phù hợp và cỡ chữ quảng cáo đủ lớn bảo đảm rõ ràng, dễ đọc.

Đặc biệt, Thông tư dành một điều luật riêng để quy định về quyền của người tiêu dùng, theo đó, người tiêu dùng có quyền được thông tin về mỹ phẩm, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng mỹ phẩm sản xuất, lưu thông không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Siết chặt việc cấp phép kinh doanh thuốc lá

Để được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá, chủ thể kinh doanh phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và đang sản xuất sản phẩm thuốc lá trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá trong giai đoạn 2000 - 2010.

Bên cạnh đó, phải sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước để sản xuất sản phẩm thuốc lá theo kế hoạch hàng năm của Bộ Công Thương, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn quốc tế hoặc sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu. Kế hoạch này được xác định phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam, Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá được phê duyệt….

Nhằm quản lý chặt các đại lý bán buôn cũng như bán lẻ thuốc lá, Thông tư số 02/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương (hướng dẫn Nghị định số 119/2007/NĐ-CP về sản xuất và kinh doanh thuốc lá) cũng quy định: Đối với thương nhân, muốn được cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) sản phẩm thuốc lá khi có đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký kinh doanh hoạt động mua, bán sản phẩm thuốc lá; Có địa điểm kinh doanh (bao gồm cả địa điểm bán lẻ - nếu có) cố định, địa chỉ rõ ràng, phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có kho hàng (hoặc khu vực chứa hàng) phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp; Đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho….

Trong khi đó, đối với thương nhân để được cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ (hoặc đại lý bán lẻ) sản phẩm thuốc lá thì điều kiện đơn giản hơn: chỉ cần thương nhân đó có Đăng ký kinh doanh hoạt động mua, bán sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có khu vực bán sản phẩm thuốc lá riêng biệt và thuộc hệ thống phân phối của thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá.

Đông Quang

Đọc thêm