Siết chặt quản lý vận tải khách đường bộ: Mừng và lo

Từ đầu tháng 10 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai một số văn bản quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông- Vận tải về các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Đây được xem là nỗ lực của cơ quan chức năng về công tác quản lý, trước tình trạng TNGT trên lĩnh vực vận tải hành khách có xu hướng gia tăng.
Từ đầu tháng 10 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai một số văn bản quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông- Vận tải về các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Đây được xem là nỗ lực của cơ quan chức năng về công tác quản lý, trước tình trạng TNGT trên lĩnh vực vận tải hành khách có xu hướng gia tăng.

Với những quy định mới, việc đón-trả khách dọc đường sẽ bị phạt nặng.
Điển hình là Thông tư 14/2010/TT-BGTVT có rất nhiều khác biệt so với những quy định trước đây. Cụ thể, việc phân tuyến xe chạy sẽ không còn khái niệm tuyến liền kề như trước đây, mà thay vào đó là phân định thành hai tuyến rõ ràng là tuyến nội tỉnh và tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến liên tỉnh có cự ly từ 300km trở lên phải xuất phát và đến ở bến xe loại 4 trở lên. Đây được xem là cơ sở để “cắt” đứt tình trạng những xe khách liên tỉnh xuất phát từ bến xe “làng” và điểm đến là khu vực gần bến xe đến.
Những năm trước đây, tình trạng này thường xuất hiện nở rộ trong dịp Tết và đây cũng là những xe có tần suất vi phạm Luật Giao thông đường bộ cao nhất. Đặc biệt trong Thông tư 14 còn có quy định: “Lái xe thực hiện đúng hành trình, lịch trình, đón hành khách tại bến xe nơi đi, trả hành khách nơi bến xe đến, không trả khách dọc đường”.

Đáng lưu ý là Nghị định 91/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải yêu cầu với tuyến đường liên tỉnh phải có gắn hộp đen theo dõi lộ trình. Đây được xem là “cánh tay nối dài” của lãnh đạo các đơn vị, và cả cơ quan chức năng với từng phương tiện cụ thể, vì thông qua hộp đen, tất cả lộ trình đi của xe, tốc độ xe, tọa độ của xe đều được quản lý và theo dõi chặt chẽ. Vì vậy, nếu có sự cố trong suốt lộ trình xe chạy, thậm chí là TNGT, cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng có cơ sở để giải quyết.

Theo ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách thành phố, nhìn chung những quy định này rất thiết thực, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc như trước đây. Đặc biệt, với những quy định chặt chẽ về điều kiện tuổi thọ, đồng phục và nhất là trang bị hộp đen cho phương tiện, sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế TNGT. Mặc dù vậy, cũng có không ít băn khoăn, trước hết là thời điểm thi hành quá cận kề. Đó là chưa kể một số văn bản đã áp dụng vào thực tế một thời gian khá lâu rồi mới tập huấn (như Nghị định 34 về xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông) là quá trễ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ của thành phố lại tỏ ra lo lắng về việc lắp đặt hộp đen cho ô-tô. Bởi theo họ, mỗi đơn vị chỉ có ít xe thì việc lắp đặt hộp đen, trang bị máy chủ theo dõi và có nhân viên kỹ thuật sẽ khiến cho chi phí đầu vào quá cao, dẫn đến đẩy giá thành lên cao, sẽ càng khó khăn trong việc cạnh tranh. Đặc biệt việc cấm đón và trả khách dọc đường, nếu áp dụng nghiêm thì rất dễ dẫn đến tình trạng càng chạy càng lỗ.
Bởi trên thực tế tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, hầu hết xe xuất bến đều không kín số ghế, vì vậy khi chạy trên đường phải đón thêm khách mới đủ chi phí. Theo phân tích của một chủ xe chạy tuyến Đà Nẵng-Quy Nhơn, quy định này sẽ đánh mất tính cơ động thuận tiện của phương tiện vận tải đường bộ. Ví dụ một người ở Hòa Phước, nếu có nhu cầu đi thành phố Hồ Chí Minh thì họ sẽ ra quốc lộ 1A để đón xe, hiếm có chuyện thuê taxi hoặc xe ôm ngược ra Bến xe Trung tâm, vì như vậy chi phí sẽ tăng lên, vừa mất thời gian.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

Đọc thêm