Siết chặt quản lý vàng miếng- lợi nhiều mặt

Nghị quyết 11 của Chính phủ vừa đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị quyết 11 của Chính phủ vừa đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Một trong các nội dung được đề cập đến trong nhóm các giải pháp là trong quý 2, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

 

Đây là một giải pháp đúng đắn, lẽ ra được thực hiện từ lâu. Trong thời gian qua, nhất là trong một số năm gần đây, thị trường vàng và ngoại tệ tự do đã “thao túng” giá cả, liên tục đẩy thành những “cơn sốt” vàng và ngoại tệ, gây tâm lý không ổn định trong nhân dân và ảnh hưởng tới nền kinh tế. Mặt khác, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ tự do thực chất Nhà nước không quản lý được, thất thu thuế lớn. Hầu hết công ty, cửa hàng tư nhân kinh doanh vàng bạc và ngoại tệ có doanh số ngầm rất lớn nhưng các cơ quan thuế chỉ ấn định những mức thuế nhất định, không có cơ sở thu thuế đúng, đủ bởi thói quen của người dân mua hàng không cần hóa đơn, chứng từ.

 

Việc siết chặt quản lý vàng miếng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường ngoại tệ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do thói quen tích trữ và mua bán vàng miếng trong dân, nhưng không có nghĩa là không làm được. Trong năm qua, Nhà nước đã đóng cửa các sàn vàng và cấm kinh doanh vàng trên tài khoản thành công. Thực chất, đối với người dân, nhu cầu sử dụng chủ yếu là vàng nữ trang, mà hoạt động này vẫn diễn ra bình thường. Những người có nhu cầu mua, bán vàng miếng phần lớn là kinh doanh lại không phải nộp thuế. Do vậy, việc quản lý chặt chẽ vàng miếng không chỉ giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, chống đầu cơ, buôn lậu, thao túng giá cả mà còn chống thất thu thuế. Việc quản lý xuất nhập khẩu vàng về một đầu mối cũng giúp Nhà nước nắm rõ nhu cầu và lượng vàng trong nước, điều hành chính sách thuế xuất, nhập khẩu, lượng vàng xuất, nhập khẩu chủ động, linh hoạt phù hợp với chính sách phát triển kinh tế- xã hội.

 

Hải Đăng

Đọc thêm