Siết chặt quy định về tổ chức hành nghề công chứng

Nghề công chứng được ví với “nghề nguy hiểm” vì khi công chứng viên đặt bút ký, đóng dấu đỏ là văn bản công chứng có giá trị không cần phải chứng minh. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều vụ việc sai phạm của công chứng đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào loại hình này. Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn về cả tiêu chuẩn công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng.

Nghề công chứng được ví với “nghề nguy hiểm” vì khi công chứng viên đặt bút ký, đóng dấu đỏ là văn bản công chứng có giá trị không cần phải chứng minh. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều vụ việc sai phạm của công chứng đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào loại hình này. Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn về cả tiêu chuẩn công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng.

Hình
Dự thảo Luật quy định theo hướng vẫn phát triển mạnh mô hình Văn phòng công chứng

Muốn được bổ nhiệm phải chấp nhận điều kiện khắt khe hơn

Sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, Bộ Tư pháp cho biết, đội ngũ công chứng viên ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng. Hiện tổng số công chứng viên được bổ nhiệm trong cả nước là 1.490 người, trong đó có 1.184 công chứng viên đang hành nghề (440 công chứng viên của các Phòng công chứng và 744 công chứng viên của Văn phòng công chứng).

Chất lượng của đội ngũ công chứng viên tuy đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.

Nguyên nhân của vấn đề nói trên, sâu xa một phần là do sự dễ dãi trong quy định của pháp luật hiện hành. Đơn cử việc không khống chế tuổi hành nghề, miễn đào tạo nghề cho nhiều đối tượng, không có  quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng… dẫn đến chất lượng một bộ phận công chứng viên yếu kém, sai phạm.

Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, cụ thể là không miễn đào tạo cho đối tượng đã là điều tra viên, luật sư hành nghề từ 3 năm trở lên mà chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, công chứng viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật nhằm quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề công chứng; bổ sung quy định những đối tượng được miễn đào tạo phải tham gia khoá bồi dưỡng nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm, trừ những người đã là công chứng viên mà thôi hành nghề công chứng tính đến trước thời gian bổ nhiệm tối đa là 5 năm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định người được miễn đào tạo nghề công chứng cũng phải tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng, song được giảm 1/2 thời gian tập sự vì đây là những người đã có kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực pháp luật; bổ sung quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng nhằm đảm bảo và tăng cường chất lượng của việc tập sự hành nghề công chứng, đánh giá được hiệu quả và thực chất của việc tập sự.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Đây là quy định mới nhằm đảm bảo và tăng cường chất lượng của việc tập sự hành nghề công chứng, đánh giá được hiệu quả và thực chất của việc tập sự phù hợp với yêu cầu tập sự của các nghề dịch vụ pháp lý nói riêng và thông lệ quốc tế nói chung.

Dự thảo quy định Bộ Tư pháp là cơ quan tổ chức kiểm tra việc tập sự này cho đến khi có Hiệp hội công chứng Việt Nam. Sở Tư pháp các địa phương có trách nhiệm lập và đề nghị danh sách kiểm tra kết quả tập sự.

Đặc biệt, từ thực tế nhiều công chứng viên không đủ sức khỏe nhưng vẫn “cố” hành nghề theo kiểu “đánh trống ghi tên”, Dự luật khống chế độ tuổi bằng quy định “công chứng viên hành nghề đến năm đủ 65 tuổi” để bảo đảm công chứng viên có đủ sức khỏe, sự minh mẫn để hành nghề.

Lập văn phòng, phải có từ hai công chứng viên trở lên

Hiện, theo thống kê, đa số các Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ (74% tổng số Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân), tổ chức còn thiếu tính ổn định, bền vững.

Nhận diện được bất cập này, Dự thảo Luật quy định theo hướng vẫn phát triển mạnh hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Văn phòng công chứng. Phòng công chứng chỉ được thành lập ở những địa bàn khó khăn và không phát triển được Văn phòng công chứng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự chặt chẽ về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, Dự thảo Luật bổ sung quy định “Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập và phải có từ hai công chứng viên trở lên, bao gồm cả công chứng viên làm việc theo hợp đồng”.

Mặt khác, Dự thảo Luật quy định rõ cả hai loại hình Văn phòng công chứng đều phải được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật và các quy định pháp luật có liên quan đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh; Văn phòng công chứng do hai công chứng viên lên thành lập chỉ có công chứng viên hợp danh, không có công chứng viên góp vốn và thành viên góp vốn...

Những quy định này nhằm xác định đúng địa vị pháp lý của Văn phòng công chứng là tổ chức dịch vụ công thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, hợp pháp các hợp đồng, giao dịch mà không phải là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đơn thuần, hạn chế các tiêu cực trong việc thành lập, hoạt động của các Văn phòng công chứng.

Xuất phát từ thực tế vừa qua, Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập bị “chết” thì mọi hoạt động sẽ phải dừng, việc chuyển nhượng rất khó khăn, vì thế dự luật bổ sung quy định về việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

Theo đó nếu Trưởng Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập hoặc tất cả các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập chết, bị Toà án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự hoặc không còn đủ điều kiện sức khỏe để hành nghề thì Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

Quy định như trên, theo Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu được chuyển nhượng để tiếp tục kế thừa, duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng, mặt khác sẽ tiết kiệm được tiền bạc, công sức của chính công chứng viên có nhu cầu thành lập Văn phòng công chứng và ngân sách Nhà nước dành cho việc làm các thủ tục thành lập Văn phòng công chứng mới.

Bên cạnh đó, để hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng “đi vào quỹ đạo”, dự thảo luật cũng có nhiều quy định phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng. Theo đó, nhiệm vụ quản lý được phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Đây là những quy định giải quyết nhiều bất cập trong thời gian qua liên quan đến quản lý nhà nước về công chứng.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm