Rủi ro tiềm ẩn tại các nền tảng truyền hình trả tiền
Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH-TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bộ phim "Little Woman" ("Ba chị em") trên nền tảng của nhà cung cấp này.
|
Netflix đã gỡ bộ phim "Little Woman" |
Theo ý kiến của Cục PT-TH-TTĐT, bộ phim vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí: Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc. Bộ phim cũng vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh: Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Các vi phạm xuất hiện trong tập 8 và tập 8, khi nhân vật nhắc về chiến tranh Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu Netflix chiếu phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, Netflix từng có nhiều lần chiếu những bộ phim gây bức xúc trong khán giả Việt. Tháng 5/2020, Phim Put Your Head on My Shoulder (tựa Việt: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) có hình ảnh “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Sau đó 5 tháng, bộ phim Madam Secretary (tựa Việt: Bà ngoại trưởng) cũng xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò. Tiếp đó, vào tháng 5/2021, phim Pine Gap có những nội dung, hình ảnh sai sự thệt về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đây là lần thứ 5 Netflix bị cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam buộc gỡ phim có nội dung vi phạm.
Đồng thời, Netflix không đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, thế nên rủi ro vẫn còn đó. Những sự việc này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề sản phẩm phim xấu, xuyên tạc sự thật lịch sử có thể xuất hiện trên các nền tảng dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang có mặt tại Việt Nam, chứ không chỉ riêng Netflix. Hiện Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền. Ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động theo pháp luật Việt Nam còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới như: Netflix, AppleTV, WeTV, IQIYI…
Tạo mặt bằng pháp lý chung cho truyền hình trả tiền
Tại Hội thảo phổ biến Nghị định 71/2022/ NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội, nhiều vấn đề về tạo hành lang pháp lý để ổn định và thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã được đặt ra.
Nghị định 71 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và được đánh giá là hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng, đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Nghị định 71 là sẽ tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Nghị định 71 chia các dịch vụ phát thanh truyền hình thành 3 nhóm: Nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình phát thanh truyền hình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ VHTTDL quy định khi đáp ứng đủ các điều kiện và phải chịu trách nhiệm về kết quả. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng.
Nhóm chương trình thể thao, giải trí cho phép doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT&TT, quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.
Một trong những nội dung được quan tâm tại Hội thảo phổ biến Nghị định 71 là việc quản lý và chế tài xử lý vi phạm đối với các nội dung trên không gian mạng, trong đó có phim trên các nền tảng, dịch vụ xuyên biên giới. Sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, đồng thời với thời điểm Nghị định 71 có hiệu lực, sẽ có những thay đổi đối với nội dung quản lý phim trên không gian mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, để kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp đến loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, đẩy lùi những bộ phim vi phạm các điều cấm, Bộ TT&TT đã đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định 71 ra đời đã cập nhật một số quy định, điều chỉnh các nội dung liên quan, khắc phục những bất cập của Nghị định số 06.
Về các nội dung phim phổ biến trên không gian mạng bị phát hiện vi phạm xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua do Luật Điện ảnh 2016 và các quy định chưa theo kịp sự phát triển nên Bộ TT&TT đang đứng ra yêu cầu các doanh nghiệp có phim vi phạm phải gỡ bỏ. Nhưng từ ngày 1/1/2023, khi Luật Điện ảnh và các Nghị định, Thông tư liên quan có hiệu lực thì Bộ VHTTDL sẽ có trách nhiệm, thẩm quyền cảnh báo, yêu cầu gỡ bỏ các phim vi phạm khỏi không gian mạng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục bàn thảo sự phối hợp giữa hai Bộ trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng, trong đó có các nội dung phổ biến phim.