Siết nhập cư, dân Thủ đô có nhiều cơ hội mua nhà?

"Nếu hạn chế nhập cư, người dân Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội mua nhà hơn" - Bộ Tư pháp đánh giá khi soạn Luật Thủ đô.
"Nếu hạn chế nhập cư, người dân Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội mua nhà hơn" - Bộ Tư pháp đánh giá khi soạn Luật Thủ đô.

Giá nhà sẽ giảm?

Dự thảo luật giao Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện cư trú ở nội thành để quản lý dân cư. Lý giải về việc phải có giải pháp siết nhập cư, Phó Chủ tịch UNND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nói, mấy năm nay khi Luật cư trú "nới" điều kiện nhập hộ khẩu thì tỷ lệ đăng ký hộ khẩu ở Thủ đô tăng ào ạt. Cứ nói di dời, bệnh viện trường học khỏi nội đô nhưng bao năm nay chưa di chuyển được là bao.

Mật độ dân số Thủ đô: 1.926 người/km2 (cả nước là 259 người). Cao nhất là quận Đống Đa (36.550 người/km2).
Như giải thích của ban soạn thảo, Chính phủ sẽ không dùng biện pháp hành chính mà chủ yếu khuyến khích giãn dân ra ngoại thành. Trước mắt, hạn chế xây khu nhà ở tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Có thể trợ giá cho các công trình nhà ở, văn phòng và hạ tầng ở ngoại thành cũng như cơ chế ưu đãi cho dự án xây bệnh viện ven đô.

Bộ Tư pháp cũng đưa ra khuyến cáo có thể siết nhập cư bằng các điều kiện như tạm trú liên tục 5 năm ở Thủ đô, chứng minh việc làm ổn định với mức lương ít nhất gấp đôi mức lương tối thiểu chung.
Mỗi năm Hà Nội có hơn 170.000 người nhập cư. Ảnh minh họa: Phạm Hùng
Nếu những đề xuất trên được luật hóa, theo nhóm nghiên cứu, giá nhà ở ngoại đô sẽ giảm (do được trợ giá). Người dân nhập cư vào Hà Nội có cơ hội kiếm thêm thu nhập, giúp được cho gia đình, quê hương. Nhưng "viễn cảnh" này không được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật QH hưởng ứng. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trước đây đã dùng nhiều biện pháp hành chính để hạn chế di dân nhưng hiệu quả chưa thấy, mà chỉ phát sinh hệ lụy như mất trật tự, tội phạm gia tăng... Vì vậy, theo ông Thuận, nên tập trung giải pháp kinh tế - xã hội như chuyển trường học, bệnh viện, cơ quan trung ương khỏi nội đô, xây dựng đô thị vệ tinh, đường tàu điện ngầm, phát triển giao thông công cộng. "Quyền mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc chuyển từ vùng khó khăn đến vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển. Kinh nghiệm thế giới cho hay, dùng biện pháp hành chính để hạn chế nhập cư sẽ không thành công", ông Thuận nói.Hà Nội xin 20 đặc thù "Nóng" hơn nhập cư là vấn đề cơ chế đặc thù nào cho Thủ đô? Trần tình trước sự phản đối của Ủy ban Thường vụ QH, ông Vũ Hồng Khanh nói: "Xin cho Hà Nội có đặc thù để bộ máy đủ sức quản lý". Hà Nội "xin" Quốc hội đồng ý với 20 loại chính sách, cơ chế đặc thù về tài chính, kinh tế, giáo dục, quản lý đô thị, xây dựng chính quyền. Nhưng Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, cần giới hạn cơ chế đặc thù trong những lĩnh vực thiết yếu và đặc thù cũng nên có thời hạn, thay vì bất biến, vĩnh viễn và ôm đồm. Nói như ông Nguyễn Văn Thuận, những chuyện như đô thị hóa, ùn tắc giao thông, phòng chống lũ, xây dựng chính quyền là điểm nghẽn chung cho cả nước, thậm chí TP.HCM còn bức xúc hơn. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn nói, thay chữ "Hà Nội" bằng "Hà Giang hay Cao Bằng" cũng giống nhau. Cũng theo ông Thuận, đã tạo cho Hà Nội cơ chế đặc thù "mở" hơn các nơi thì cũng phải có quy định "ràng buộc" kiểm soát chặt hơn. Mặt khác, những vấn nạn của Thủ đô lâu nay như ô nhiễm, tắc đường, ngập lụt, xây nhà cao tầng trái phép trong nội đô, lấn chiếm đất công... do lơi lỏng pháp luật. Nên Hà Nội cần tính đến việc chấn chỉnh sai phạm, thay vì sửa đổi thể chế dưới hình thức ban hành cơ chế đặc thù. Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, "quản lý ở Hà Nội kém xa các nơi khác. Nhiều chính sách ban ra không hợp lòng dân. Thủ đô mà có những đoạn đường vỏn vẹn 2 km mà kéo dài 10 năm chưa xong". Vậy nhưng, Hà Nội lại "xin" đặc thù để ban hành những văn bản mà Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định không "vi hiến" xong có thể trái với các văn bản hiện hành để phù hợp cơ chế đặc thù. Thủ đô cũng xin được giữ lại toàn bộ các khoản thu vượt dự toán, được bổ sung các chương trình giảng dạy nâng cao bậc phổ thông, áp mức phạt hành chính cao hơn, rồi được thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn... Không tán thành trao cho Thủ đô nhiều đặc thù để giải quyết những ách tắc do quản lý kém mà ra, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị phải "khoanh" giới hạn. "Có nhất thiết Thủ đô thì cái gì cũng là đỉnh cao? Thủ đô Mỹ, Trung Quốc còn không phát triển bằng các thành phố khác", bà Trương Thị Mai nói. Theo bà Mai, nên có đặc thù trong chính sách thu hút đầu tư, nhân lực và tổ chức bộ máy mà thôi.Sẽ sửa Hiến pháp Thừa nhận "khó nhất là tìm ra đặc thù cho Thủ đô", Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đưa ra giải pháp là đặc thù gì cũng phải bám vào mục tiêu "Hà Nội là trái tim cả nước, bộ mặt quốc gia", là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia không nơi nào có được. Ngoài ra còn là trung tâm kinh tế, văn hoá... Không đưa ra giải pháp cụ thể nào, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chỉ gợi ý những nguyên tắc lớn. Chẳng hạn, xử lý mối quan hệ Trung ương - địa phương ra sao, khi mà sắp sửa đề bạt ai là "điện thoại khắp nơi tới tấp". Về giáo dục, khoa học, y tế, nên chọn lọc thế nào để đạt trình độ cao nhất? Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng lưu ý, "những quy hoạch lớn vẫn phải do Trung ương quyết". Ông Nguyễn Phú Trọng "chốt" lại, "Hà Nội phải là đô thị loại đặc biệt. Nếu những quy định đặc thù chưa có trong Hiến pháp thì sau này sẽ sửa Hiến pháp".
Theo kết quả điều tra năm 2007, 90% người di cư ra Thủ đô gửi tiền về cho gia đình, 84% người nhập cư cho rằng họ kiếm được nhiều tiền hơn. Người di cư đến Hà Nội là những người có trình độ khá nhất ở nông thôn.     
Theo Lê Nhung
VietNamNet

Đọc thêm