Siêu thị “hy sinh” lợi nhuận vì người nuôi heo

(PLO) - Tích cực vào cuộc với các bộ, ngành, hầu hết các siêu thị đều tổ chức các chiến dịch bán hàng không lợi nhuận nhằm tăng số lượng tiêu thụ thịt heo. Thậm chí, có những siêu thị còn giữ nguyên hoặc tăng giá thu mua để hỗ trợ tốt nhất cho bà con…
Giá bán thịt heo tại siêu thị hiện giảm khoảng 15% so với trước

Thu mua thịt tăng 20%

Từ ngày 7/5, hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ của Tập đoàn Vingroup đã triển khai chiến dịch “Hỗ trợ hộ nuôi heo - Bán hàng không lợi nhuận” tại 1.000 cơ sở trên toàn quốc. Riêng tại phía Bắc, VinMart vừa hỗ trợ hộ chăn nuôi với giá thu mua cao hơn thị trường, vừa trợ giá bán ra cho người tiêu dùng. 

Theo đó, hiện toàn bộ các sản phẩm thịt heo tại hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+  sẽ được bán bằng giá thu mua đầu vào. Đây đều là các sản phẩm thịt sạch, được kiểm dịch an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc từ các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô và chuyên nghiệp đang cung cấp dài hạn cho hệ thống. 

Bên cạnh việc cùng các doanh nghiệp chăn nuôi tham gia chương trình bình ổn thị trường của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, VinMart còn tiến hành thu mua trực tiếp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại khu vực phía Bắc. Cụ thể, VinMart phối hợp với Công ty TNHH Cung ứng Thực phẩm Thanh Nga tổ chức các đợt thu mua heo từ các hộ chăn nuôi với giá cao hơn giá thị trường nhằm bình ổn giá và hỗ trợ hộ dân bù lỗ. 

Bà Thái Thị Thanh Hải - Tổng Giám đốc  Công ty Vincommerce, đơn vị điều hành hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+  khẳng định: “Tuỳ tình hình, VinMart sẽ cùng các nhà cung cấp tổ chức các chương trình phù hợp trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho người chăn nuôi và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng”.

Thông tin chính thức từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho hay, từ nay đến hết ngày 16/5/2017, hệ thống siêu thị Co.opmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food sẽ áp dụng chương trình giảm giá để hỗ trợ sức tiêu thụ cho mặt hàng thịt heo. Đặc biệt, dù giảm giá bán nhưng Saigon Co.op vẫn giữ nguyên giá mua để giúp người nuôi bù chi phí. Lượng thu mua thịt heo tại đơn vị này vẫn ở mức ổn định, từ 36-40 tấn/ngày; tuy nhiên so với trước khi có chiến dịch đồng hành cùng bà con chăn nuôi, số lượng này đã tăng khoảng 20%.

Cụ thể, sau khi giảm giá từ 10-20%,  hiện tại Co.opmart và Co.op Food giá thịt đùi, vai dao động nhẹ quanh mức 60.000đ/kg, chân giò heo giá 52.800 đ/kg, xương đuôi giá khoảng  66.000đ/kg, thị heo xay giá khoảng 70.000đ/kg, xương ống  giá 48.000đ/kg,... và các sản phẩm chế biến nấu chín, sơ chế sẵn có thành phần thịt heo cũng đều tham gia giảm giá. 

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, Co.opmart và Co.op Food cùng phối hợp giảm giá nhằm khuyến khích tiêu thụ thịt heo, đồng thời giữ nguyên giá mua để hỗ trợ bà con chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi giá heo hơi đang xuống thấp. “Saigon Co.op sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, miễn là có thể góp phần hỗ trợ người chăn nuôi”, ông Đức khẳng định. Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, tùy theo tình hình thị trường trong những ngày tới mà Saigon Co.op sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho người chăn nuôi. 

Dù tích cực đồng hành cùng bà con chăn nuôi nhưng CoopMart và Vinmart đều khẳng định, tất cả các sản phẩm thịt heo thu mua trong đợt này vẫn phải được  kiểm dịch chất lượng an toàn, đầy đủ theo quy định, đồng thời phải là thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc.

Khuyến mại sâu để kích cầu tiêu dùng

Hầu hết các siêu thị mà PLVN khảo sát đều khẳng định, thời điểm này, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm từ 15 - 35% để tăng cường sức mua. Cụ thể, ông Trương Anh Tú - Giám đốc Trung tâm thương mại V+ cho biết, bình thường, siêu thị  này thường mua từ các nhà cung cấp chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap nên giá mua vào cao hơn so với thị trường. Tuy nhiên, siêu thị vẫn chấp nhận giảm lợi nhuận đến mức tối đa để có thể tăng số lượng tiêu thụ. “Trước đây, V+ bán ở mức 100-110.000đ/kg nhưng hiện nay, giá bán đã giảm 15%”, đại diện siêu thị này nói. 

Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Fivimart, hiện nay giá thịt heo thu mua đầu vào mới giảm giá khoảng 15%, nhưng giá thịt lợn bán ra tại siêu thị đã giảm từ 30 - 35%. Hiện, mỗi ngày Fivimart thu mua khoảng 2,5 tấn cung cấp cho 26 siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội. Số lượng mua, bán chỉ nhích hơn khoảng 10%, và cũng theo bà Hậu, thì đây chưa được gọi là tăng số lượng thu mua. 

Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống Fivimart đều đã tăng diện tích trưng bày thịt,  tăng món chế biến, làm các chương trình khuyến mại sâu vào cuối tuần. Đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp cân đối chi phí giá thành để tiếp tục giảm giá cho thịt heo.

Cùng thời điểm, tin từ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết thêm, thời gian qua, Hapro đã có văn bản gửi đến các Chi nhánh nhằm tăng lượng thu mua thịt. Tất cả các Chi nhánh cũng đã dành diện tích trưng bày thịt heo nhiều hơn, đồng thời cố gắng tiết giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành, nhờ đó, siêu thị đã giảm được khoảng 15% so với giá bán trước đây. 

Dù rất tích cực tham gia hưởng ứng chiến dịch đồng hành cùng bà con chăn  nuôi nhưng theo đại diện các siêu thị, gần như số lượng thu mua vào cũng chưa tăng đáng kể. Điều này cho thấy chiến dịch này của các bộ, ngành chưa thực sự có hiệu quả, cần một giải pháp triệt để hơn mới có thể kích cầu tiêu thụ, từ đó mới có điều kiện tăng số lượng thu mua mới “giải cứu” được thịt heo. 

* Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:

Giảm lãi vay, lãi quá hạn... cho khách hàng vay nuôi heo

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  Đào Minh Tú, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn hiện là gần 30.000 tỷ đồng (cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%), với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi heo là 506.058 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết.

Theo Phó Thống đốc, với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói  chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng thì đây là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nên nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi heo, trong đó hộ nông dân và cá nhân chiếm tỷ trọng lớn là 311 tỷ đồng.

Phó Thống đốc cho biết thêm, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, cho vay mới... 

Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, với những doanh nghiệp, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng phải bảo đảm có lãi .

* Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op:  

Saigon Co.op giảm giá bán  10 - 20%

Lượng thu mua thịt heo tại hệ thống siêu thị này vẫn ở mức ổn định từ 36-40 tấn/ngày. So với trước khi có chiến dịch đồng hành cùng bà con chăn nuôi, số lượng này đã tăng khoảng 20%. Cụ thể, sau khi giảm giá từ 10-20%,  hiện tại Co.opmart và Co.op Food giá thịt đùi, vai dao động nhẹ quanh mức 60.000 đ/kg, chân giò heo giá 52.800 đ/kg, xương đuôi giá khoảng  66.000 đ/kg,... và các sản phẩm chế biến nấu chín, sơ chế sẵn có thành phần thịt heo cũng đều tham gia giảm giá”.

Đọc thêm