Sinh vật cảnh - nghề mở hướng làm giàu ở Đại Thắng

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã Đại Thắng đã tích cực hướng dẫn, vận động bà con thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.

Từ phát triển kinh tế sinh vật cảnh, mỗi năm gia đình ông Trần Văn Thảo, thôn Làng Mới, xã Đại Thắng (Vụ Bản) có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Từ phát triển kinh tế sinh vật cảnh, mỗi năm gia đình ông Trần Văn Thảo, thôn Làng Mới, xã Đại Thắng (Vụ Bản) có thu nhập trên 200 triệu đồng.

Xã Đại Thắng (Vụ Bản) có 3 HTXNN là: Thiện Linh, Nhất Trí và Quyết Thắng với tổng diện tích đất nông nghiệp 910ha và 10300 nhân khẩu. Là địa phương thuần nông nên những năm trước đây đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã Đại Thắng đã tích cực hướng dẫn, vận động bà con thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.

Năm 1992, ông Trần Văn Thảo, thôn Làng Mới, xã Đại Thắng (Vụ Bản) nhận thấy nghề sinh vật cảnh có hiệu quả kinh tế, phù hợp với đồng đất địa phương. Ông đầu tư kinh phí, thời gian đến các địa phương có truyền thống làm cây cảnh như: Nam Toàn, Điền Xá (Nam Trực) học nghề ươm cây, uốn cây, vào thế, tạo sẹo... và tận dụng ngay diện tích 1,5 sào vườn nhà để "thực tập" cách ươm giống các loại cây cảnh phổ biến như sanh, si... từ hạt. Nghề không phụ lòng người, cuối năm 1993, ông Thảo đã bán được trên một vạn bầu sanh, si giống với giá 2000 đồng/bầu. Sau khi trừ các khoản chi phí, vụ cây giống đầu tiên đã mang lại cho gia đình ông khoản thu gần 10 triệu đồng. Những năm tiếp theo, ngoài thời gian chăm sóc cây, ươm hạt..., hàng ngày ông đạp xe về các làng quê trong xã, trong huyện và các huyện bạn tìm mua cây "phôi" và trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm uốn cây, tạo dáng, tạo thế. Dần dần tay nghề của ông đã được nâng lên với nhiều sản phẩm cây thế, cây cảnh có giá trị cao. Năm 2003, được sự động viên của chính quyền xã, ông đã mạnh dạn đấu thầu và đầu tư kinh phí cải tạo trên 3 mẫu thùng đào, ao hồ ở khu Làng Mới, sát đê sông Đào để trồng cây cảnh. Đến nay, trong vườn của ông có hơn 4000 cây cảnh, chủ yếu là: sanh, si, đa, lộc vừng... trong đó trên 2000 cây đã lên chậu, có 3 cây lộc vừng cổ thụ trị giá trên 500 triệu đồng, 1 cây sanh thế trực có giá trên 300 triệu đồng và gần chục bộ thế "long", thế "trực" có giá từ 60 triệu đồng trở lên. Từ năm 2004 đến nay, nghề sinh vật cảnh đã mang lại cho ông và gia đình nguồn thu nhập ổn định từ 170-200 triệu đồng/năm. Riêng năm 2009, tổng doanh thu từ kinh doanh cây cảnh đạt trên 500 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập thực tế trên 250 triệu đồng.

Từ thành công của gia đình ông Thảo, nhiều hộ trong thôn, trong xã đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư vốn phát triển nghề trồng cây cảnh trên quy mô lớn. Từ năm 1995 đến nay, nghề trồng cây cảnh ngày càng phát triển trên đất Đại Thắng. Với điểm xuất phát chỉ có vài hộ, đến năm 2004, nghề trồng cây cảnh đã thu hút trên 100 hộ dân tham gia. Năm 2004, Hội Sinh vật cảnh xã Đại Thắng được thành lập với trên 50 hội viên. Trồng cây cảnh trở thành một ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Để thuận tiện cho việc trồng, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm về cây cảnh, cây thế, Hội Sinh vật cảnh đã tổ chức cho hội viên học tập, trao đổi, tư vấn kỹ thuật tỉa cây, uốn thế, tạo "sẹo" và hỗ trợ nhau trong việc vận chuyển, trao đổi, buôn bán cây cảnh. Nhiều người đến các địa phương có truyền thống trồng cây cảnh khắp trong và ngoài tỉnh học tập kỹ thuật, nắm bắt xu hướng thị trường cây cảnh, cây thế để về địa phương sản xuất. Nhờ đó, cây cảnh, cây thế của Đại Thắng rất đa dạng về dáng, thế với đầy đủ các thế như: trực hoành, trực huyền, long giáng, long trực, huynh đệ, bạt phong hồi đầu, cửu phẩm, ngũ phúc... Xã hiện có gần 500 hộ tham gia trồng cây cảnh, trong đó 80% hộ có diện tích từ 150m2 trở lên với hàng chục nghìn cây cảnh các loại như: sanh, si, lộc vừng, đa... Số hộ có vườn cây cảnh trị giá trên 150 triệu đồng đã phát triển lên gần 100 hộ, trong đó có một số hộ tiêu biểu có vườn cây cảnh trị giá từ 500 triệu trở lên là hộ các ông: Nguyễn Văn Nguyên, Trần Văn Thảo, Trần Văn Thanh... Cùng với phong trào sinh vật cảnh phát triển, các hoạt động dịch vụ phục vụ như: thiết kế hòn non bộ, quay chậu, tạo dáng và sản xuất bồn, bể, ang... cũng phát triển tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Những năm qua, hàng nghìn cây cảnh, cây thế các loại mang "thương hiệu" Đại Thắng đã có mặt trên thị trường trong huyện, trong tỉnh mà còn đến tận các tỉnh xa như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh...

Nghề mới sinh vật cảnh đã trở thành phương tiện hữu hiệu để thoát nghèo và mở ra hướng làm giàu mới, chính đáng cho nhiều hộ dân ở Đại Thắng. Nhờ tham gia sản xuất, buôn bán cây cảnh, đời sống của nhiều hộ dân trong xã đã từng bước được cải thiện và vươn lên làm giàu, nhiều hộ đã đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong những năm tới, xã Đại Thắng phấn đấu đưa sinh vật cảnh phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mở ra một hướng phát triển mới trong đời sống nông nghiệp - nông thôn của địa phương./.

Bài và ảnh: Thành Trung

Đọc thêm