Sinh viên làm thêm và những cạm bẫy khó lường

Tháng 7 là lúc sinh viên các trường cao đẳng, đại học bước vào kỳ nghỉ hè. Bên cạnh những người lên kế hoạch nghỉ ngơi thư giãn sau một năm học căng thẳng, thì có một bộ phận không nhỏ sinh viên tìm kiếm việc làm để trang trải học phí và tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt là những bạn mà điều kiện gia đình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, đi làm thêm cũng có những cám dỗ, cạm bẫy. Không ít sinh viên quá mải mê kiếm tiền đã “gục ngã” trước những cám dỗ, đánh mất tương lai.

Tháng 7 là lúc sinh viên các trường cao đẳng, đại học bước vào kỳ nghỉ hè. Bên cạnh những người lên kế hoạch nghỉ ngơi thư giãn sau một năm học căng thẳng, thì có một bộ phận không nhỏ sinh viên tìm kiếm việc làm để trang trải học phí và tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt là những bạn mà điều kiện gia đình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, đi làm thêm cũng có những cám dỗ, cạm bẫy. Không ít sinh viên quá mải mê kiếm tiền đã “gục ngã” trước những cám dỗ, đánh mất tương lai.

Tiếp thị quảng cáo rượu trong các nhà hàng

                                                                                      Ảnh: Duy Lân

                                     

Cơ hội nghề nghiệp nhiều

 

Để có thêm khoản tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học thêm, nhiều sinh viên tìm cho mình một công việc bán thời gian vừa ý. Đó không chỉ là thời gian thư giãn sau những buổi lên lớp căng thẳng, không đơn thuần làm việc để có thêm thu nhập mà qua đó giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tạo quan hệ, chứng tỏ được khả năng và bản lĩnh của mình trước doanh nghiệp...

 

Đa số việc làm thêm hè chỉ mang tính thời vụ, nhưng nhà tuyển dụng cũng có những yêu cầu khá cao. Chẳng hạn, khi tuyển nhân viên bán hàng, nhà tuyển dụng yêu cầu phải có ngoại hình khá, hoạt bát, giao tiếp tốt. Còn đối với ứng viên chuyên về nghiên cứu thị trường, ngoài việc siêng năng, cần có tính năng động, khả năng nhận xét về thị trường trong tương lai.

 

Là một sinh viên có thâm niên đi làm thêm, Nguyễn Thị Lợi, sinh viên năm thứ 4, khoa Kế toán, Trường Đại học dân lập Hải Phòng chia sẻ, các nhà tuyển dụng cũng rất khắt khe trong việc tuyển dụng. Vì vậy, khi đi xin việc, Lợi phải chuẩn bị kỹ những kiến thức cơ bản, đặc biệt là khả năng ứng xử. Mấy năm nay, Lợi làm các công việc như phát tờ rơi, nhân viên tổ chức sự kiện, nhân viên kinh doanh… Những công việc này giúp cô tự tin hơn trong giao tiếp và có cách xử lý tình huống nhanh.

 

Phạm Thị Thảo, sinh viên năm thứ 4, Trường đại học Hàng Hải cho biết, hè này Thảo chọn việc đi dạy kèm. Thảo cũng khẳng định ở lớp có đến hơn 20% số sinh viên đi làm thêm, trong đó khá nhiều bạn làm gia sư như em. Số tiền kiếm được của mỗi người khác nhau, ai càng “chạy sô” được nhiều thì càng kiếm được nhiều... Hiện nay, mỗi ca dạy học cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng, tính tổng thu nhập cả tháng của Thảo khoảng 2 triệu đồng. "Số tiền này cũng đủ để em trang trải các chi phí ăn học, không phải xin bố mẹ nữa”- Thảo tâm sự.

 

Công việc làm thêm được nhiều sinh viên lựa chọn trong kỳ nghỉ hè là làm gia sư, phát tờ rơi, bán hàng, phục vụ nhà hàng…, với mức thù lao 80.000-100.000 đồng/ca/8 giờ. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên khi làm thêm ở các doanh nghiệp tỏ ra có năng lực, nên được doanh nghiệp giữ lại và ký hợp đồng dài hạn.

 

Cám dỗ, cạm bẫy không ít

 

Nhưng không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm được một công việc ưng ý. Bên cạnh những cái lợi thu được, không ít sinh viên ngoài sự nhọc nhằn còn là những nỗi buồn và cả những cạm bẫy.

 

Hiện, một bộ phận sinh viên lựa chọn đi tiếp thị bia, rượu, thuốc lá ở các quán cà phê, nhà hàng, quán karaoke, quầy bar…, là công việc bán thời gian. Đến  nhiều nhà hàng trên địa bàn thành phố, không khó gặp hình ảnh nhiều cô gái trẻ trong trang phục màu mè, ngắn cũn cỡn của đủ các hãng bia, rượu chào mời khách hàng. Đó là một thế giới với nhiều cám dỗ, sự sa ngã chỉ cách một bước chân, sự thiếu hiểu biết và cộng với giấc mơ kiếm tiền nhiều, nhanh, khiến nhiều sinh viên không vượt qua những cám dỗ.

 

Nguyễn Thị H. – cô sinh viên từng tiếp thị rượu tại sàn nhảy kể lại, khi vào làm việc, các cô được hướng dẫn từ cách đi lại, cúi đầu chào khách ra sao, đưa tay rót rượu phục vụ thế nào... Thêm nữa phải nhiệt tình nhảy nhót, uốn éo, huơ chân múa tay theo tiếng nhạc, thỉnh thoảng cùng nhau "hê! hê! hê!" hoặc hú hét mỗi khi có ca sĩ ra biểu diễn để làm nóng bầu không khí. Mức lương trả cho các nhân viên tiếp thị rượu không giống nhau. Mức lương tối thiểu của một nhân viên hạng thấp hơn 1 triệu/tháng, đó là chưa kể thêm tiền "bo" của khách. Các nhân viên có chiều cao và ngoại hình "chuẩn không cần chỉnh" được chủ các quán bar ưu ái với mức lương cao gấp đôi, gấp ba bình thường.

 

Cũng như bao cô gái làm nghề tiếp thị rượu, bia, H. phải uống rượu, bia, phải tươi cười, biết nuốt nước mắt tủi thân, cứng rắn trước những lời lẽ đùa cợt thái quá của khách hàng. Tất cả để giữ việc và giữ mình. H. tâm sự, không ít lần cô nhận được những lời đề nghị “hấp dẫn” từ khách hàng, nhưng kiên quyết từ chối. “Hiện, mình có thể chống đỡ được những cám dỗ đó, nhưng liệu sau này trong phút thiếu suy nghĩ thì sao? Mình không muốn như những cô gái mà báo chí tốn mực đưa nhiều, nên quyết định bỏ việc này và tìm một công việc khác phù hợp hơn dù lương thấp”- H bộc bạch.

 

Làm thêm là nhu cầu chính đáng của không chỉ sinh viên mà của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, với sự phức tạp của các mối quan hệ xã hội, những cạm bẫy ở các chốn ăn chơi, dịch vụ nhạy cảm như hiện nay nếu không biết giữ mình, phân biệt tốt xấu và có bản lĩnh vượt qua, các bạn rất dễ gục ngã. Để không tự biến mình thành nạn nhân của những cám dỗ, mỗi học sinh, sinh viên cần phải xây dựng cho mình một ý thức học tập, lối sống lành mạnh, tốt nhất nên tránh xa các tụ điểm phức tạp hay các dịch vụ nhạy cảm - vốn là mảnh đất màu mỡ để nảy sinh những tội ác. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường phối hợp quản lý giáo dục học sinh, cũng như con em mình.

 

Thảo Nguyên

Đọc thêm