Sinh viên năm cuối và nỗi lo chuẩn đầu ra ngoại ngữ

(PLVN) - Để xét tốt nghiệp, sinh viên năm cuối tại các trường đại học không chỉ phải đáp ứng kết quả các môn chuyên ngành mà còn đảm bảo đạt chuẩn đầu ra tin học và ngoại ngữ. Tuy nhiên, ngoại ngữ đang là “nỗi sợ” với không ít sinh viên.
Sinh viên miệt mài ôn thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Ảnh T.H

Chật vật ôn thi

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Trong đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu. Tuy nhiên, tùy theo từng trường sẽ có những yêu cầu khác nhau.

Đáng nói, dù chuẩn đầu ra ở mức độ cao hay thấp thì vẫn là nỗi lo trong việc xét tốt nghiệp của nhiều sinh viên năm cuối, khi ngoại ngữ không phải là thế mạnh. Nguyễn Ngân (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang miệt mài ôn tập tiếng Anh để có thể đáp ứng chuẩn đầu ra của trường. Yêu cầu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đối với các ngành thuộc khối lý luận là chứng chỉ tiếng Anh mức B1 hoặc chứng chỉ tiếng Trung HSK3, với khối nghiệp vụ là chứng chỉ tiếng Anh mức B2 hoặc bằng HSK4.

Hiện tại, Ngân phải dành ra 2 buổi/tuần để học thêm tiếng Anh gia sư nhưng vẫn rất lo lắng trong quá trình ôn tập. “Bản thân tôi rất sợ tiếng Anh và thậm chí từng phải học lại môn này. Hiện tại tôi cảm thấy rất bối rối, không biết phải bắt đầu từ đâu. Trong những tháng cuối này vừa đi thực tập vừa làm khóa luận nên tôi chưa biết phải xoay xở thế nào để có thể ôn thi hiệu quả”.

Tương tự, Thảo Nguyên (sinh viên năm 4, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cảm thấy bối rối khi đa số chứng chỉ ngoại ngữ đều chỉ có giá trị trong khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy phải cân nhắc và lựa chọn thời điểm thi cho phù hợp, tốt nhất thường là năm 3 và 4 vì nếu thi sớm hơn thì chứng chỉ sẽ hết giá trị”.

Tuy nhiên, 2 năm cuối thường là khoảng thời gian sinh viên bận rộn nhất bởi tập trung học các môn chuyên ngành và đa số đi thực tập, chưa kể một số còn làm thêm. Thảo Nguyên cũng đang rơi vào tình trạng như vậy. Mỗi ngày, Thảo Nguyên thường đến trường học từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc làm thêm lúc tối muộn. Để tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí, Thảo Nguyên chọn cách tự học tiếng Anh tại nhà. “Đôi lúc tôi thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ ôn tập ngoại ngữ vì có quá nhiều phần việc cần phải giải quyết trong khi quỹ thời gian lại ít ỏi” - Thảo Nguyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng có không ít sinh viên chọn đăng ký luyện thi chứng chỉ quốc tế tại các trung tâm ngoại ngữ. Trong hoàn cảnh nhiều bạn vẫn phụ thuộc vào gia đình, chưa thể tự chủ về tài chính thì số tiền phải chi trả trong suốt quá trình ôn luyện và lệ phí thi các chứng chỉ cũng tạo áp lực rất lớn đến sinh viên. Bởi phần đông các bạn vẫn phụ thuộc vào gia đình, chưa thể tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, nếu không có chứng chỉ ngoại ngữ thì sinh viên chưa thể ra trường.

Cần kế hoạch ôn tập rõ ràng

Đánh giá về thực trạng và chuẩn trình độ tiếng Anh của sinh viên hiện nay, cô Nguyễn Thanh Hà, giảng viên tiếng Anh khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao cho rằng có sự chênh lệch rất lớn giữa các sinh viên trong nền tảng ngoại ngữ. “Sinh viên học chuyên ở cấp 3, khi lên Đại học tiếng Anh thường khá hơn hẳn. Đồng thời giữa các ngành học với nhau cũng có sự chênh đáng kể về trình độ. Với các ngành đòi hỏi phải thường xuyên tiếp xúc, sử dụng ngoại ngữ như Kinh tế, Truyền thông, Ngôn ngữ… khả năng thu nạp kiến thức và điểm số của đa phần sinh viên thường ở mức khá, giỏi”.

Lý giải nguyên nhân nhiều sinh viên học đến năm cuối nhưng trình độ tiếng Anh vẫn không được cải thiện, cô Hà cho rằng có nhiều sinh viên “mất gốc” ngay từ bậc phổ thông, khi lên đại học lại thiếu tập trung, dành nhiều thời gian cho công việc và các môn khác. Dẫn đến việc trong quá trình ôn luyện tiếng Anh, các bạn dễ nảy sinh cảm giác sợ hãi, chán nản vì không hiểu gì, không biết bắt đầu từ đâu. Ngoài ra, nhiều cá nhân ý thức tự giác không cao, không thể tự học cộng với việc luyện thi tại các trung tâm kém chất lượng khiến cho trình độ ngoại ngữ ngày càng đi xuống.

Thời lượng giảng dạy tiếng Anh trong một số trường ĐH hiện nay phân bố chưa hợp lý cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng học tập của sinh viên. Phần lớn chương trình hiện nay vẫn chỉ bố trí thời gian học tiếng Anh từ 18 - 24 tín chỉ/năm học, tương đương 270 - 360 tiết. Trong khi đó, đào tạo cho sinh viên đạt trình độ TOEIC 450 điểm cần đến trên 400 tiết.

Theo cô Thanh Hà, để có thể ôn tập tiếng Anh một cách hiệu quả, sinh viên cần có lộ trình rõ ràng. Trước hết, sinh viên cần đánh giá đúng trình độ, năng lực của bản thân từ đó xây dựng kế hoạch luyện thi phù hợp, tránh tâm lý buông xuôi, chán nản. Các bạn nên có ý thức tự học cao hơn, đặc biệt là chăm chỉ học vững ngữ pháp, luyện đề và học thuộc từ vựng. Để cải thiện kĩ năng nghe nói, không thể bỏ qua việc tăng cường giao tiếp tiếng Anh sau mỗi bài học.

Trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, thị trường Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút nhiều vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, mở ra cơ hội việc làm lớn cho giới trẻ. Với xu thế trên, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ sẽ là một trong những yêu cầu tối thiểu dành cho người lao động. Chính vì vậy, các trường ĐH quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ là đúng đắn và cần thiết, giúp sinh viên có thêm một kênh tự đánh giá năng lực, trên cơ sở đó hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thị trường tuyển dụng.

Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các trường ĐH là vẫn luôn là vấn đề nan giải. Từ việc thay đổi phương pháp, chương trình đào tạo sao cho phù hợp và hấp dẫn hơn đến việc cải thiện ý thức của sinh viên trong việc học ngoại ngữ... đều không hề dễ dàng.

Đọc thêm