Sinh viên “ngán ngẩm” với tiền điện

Đó là tâm sự chung của rất nhiều bạn sinh viên đang phải sống xa nhà, khi được hỏi về tiền điện mà các bạn phải trả hiện nay.
Đó là tâm sự chung của rất nhiều bạn sinh viên đang phải sống xa nhà, khi được hỏi về tiền điện mà các bạn phải trả hiện nay.

“Ngán ngẩm”...

Hiện nay, mặc dù ngành điện đã triển khai chính sách cho sinh viên, công nhân ở trọ được hưởng mức giá điện như hộ gia đình, nhưng thực tế, phần lớn chủ nhà trọ đã tự đề ra giá điện buộc người ở trọ phải trả giá điện cao gấp 4 lần so với quy định. Đa số sinh viên và công nhân ở trọ hiện nay phải trả giá điện rất cao. Giá thấp nhất cũng 2.500 đ/kWh và nhiều nơi chủ nhà còn thu với giá “cắt cổ” đến 4.000 đ/kWh.

Theo khảo sát, hầu hết các chủ nhà trọ đều đẩy giá điện cao lên 1.000-3.000/kWh. Bạn L.T. Linh Phương, sinh viên Trường Đại học Đông Á, thuê phòng trọ trên đường Lý Thái Tổ cho biết: Bọn em ở chung với nhau 5 đứa, thuê nguyên một nhà, mỗi tháng phải trả gần 300.000 đồng tiền điện. Chủ nhà lấy giá điện 3000 đồng/kWh. Dù tụi em đi học và đi làm thêm suốt, tối mới về nhưng phải trả tiền điện rất cao. Phương tâm sự: “Biết là chủ nhà tính giá cao nhưng bọn em không thể nói gì, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nếu nói ra thì bị đuổi đi, mỗi lần tìm phòng trọ vất vả lắm”. Phương còn cho biết thêm, “đa số các bạn em đều lâm vào tình cảnh trên nhưng đành im lặng để có một chỗ ở ổn định, nếu không lại vất vả tìm phòng và ở đâu cũng tính giá điện như vậy thôi”.

Cũng có nhiều trường hợp sinh viên bị chủ nhà câu sử dụng điện chung nhưng lại tính cho số điện gấp đôi. Nguyễn Văn Hảo, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết: Mình em sử dụng mỗi tháng nhiều nhất cũng chưa đến 30 kWh, tính ra thì chỉ trả khoảng 20.000 đồng, nhưng tháng nào cũng phải trả 100.000 đồng do chủ nhà tính giá điện đến 2.500 đ/kWh, cao gấp 4 lần so với quy định. Chủ nhà nói dùng chung nên phải chia ra mà trả.

Theo quy định, cứ 4 người ở trọ một phòng thì được tính giá điện như một hộ gia đình. Mức giá áp dụng cho 50 kWh đầu tiên là 600 đồng/kWh. Từ kWh thứ 50 trở đi tính theo giá điện bậc thang. Trường hợp chủ nhà trọ không xác định được số người ở trọ thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang từ kWh 101 đến kWh 150 (với giá 1.214 đ/kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo được tại điện kế. Và giá cao nhất trong khung giá điện hiện nay cũng chỉ 1.890 đ/kWh, áp dụng cho kWh từ 401 trở đi.

Nhưng khi hỏi một chủ nhà trọ sao tăng giá điện, thì lại được giải thích với một lý do rất buồn cười: Vì tính giá phòng rẻ hơn so với những chỗ khác nên phải tính giá điện cao lên chút...

Cần có biện pháp xử lý

Theo Thông tư số 08/2010/TT-BCT ngày 24-2-2010 của Bộ Công thương, đối với công nhân, người lao động và sinh viên thuê nhà trọ, có thời hạn thuê dưới 12 tháng, thì định mức điện cấp theo đầu người cụ thể như sau: 1 người được tính ¼ định mức điện (12,5 kWh/tháng), 2 người được tính ½ định mức (25 kWh/tháng), 3 người tính ¾ định mức (37,5 kWh/tháng) và 4 người được tính một định mức (50 kWh/tháng).
Đồng thời, nhằm bảo đảm cho người thuê nhà được trực tiếp áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu: Các Sở Công thương và Công ty Điện lực phải thông báo công khai về giá điện, tổ chức kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà khi có đơn phản ánh. Xử lý nghiêm các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê không đúng quy định. Tuy nhiên, chẳng mấy ai làm theo. Đa số các chủ cho thuê trọ đều áp đặt giá điện do mình quy định, nếu không chấp nhận, người thuê trọ phải tìm chỗ thuê khác.

Thiết nghĩ, để người ở trọ được hưởng giá điện đúng như quy định, bên cạnh các cơ quan chức năng, thì chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan cần có những biện pháp và thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện bán lẻ điện tại các khu nhà trọ, để bảo đảm sự công bằng trong việc sử dụng điện với tất cả mọi người, nhất là  đối với  sinh viên  và công nhân ở nhà trọ như hiện nay…

Kim Oanh

Đọc thêm