Sinh viên vất vả tìm việc

Hằng năm, cứ vào thời điểm các trường ĐH, CĐ, TCCN tổ chức lễ ra trường và phát bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên, thì cũng là lúc có nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước, các công ty TNHH… thông báo tuyển dụng việc làm. Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, song nghịch lý là vẫn có rất nhiều học sinh, sinh viên lại rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm các công việc chẳng ăn nhập gì với ngành nghề mà mình đã được nhà trường đào tạo trước đó.
Học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thường bị các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng nhận xét là thiếu kinh nghiệm, vụng về trong giao tiếp. TRONG ẢNH: Học sinh Trường trung cấp Công nghiệp tàu thủy tại lễ tốt nghiệp năm học 2008-2009.

Học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thường bị các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng nhận xét là thiếu kinh nghiệm, vụng về trong giao tiếp. TRONG ẢNH: Học sinh Trường trung cấp Công nghiệp tàu thủy tại lễ tốt nghiệp năm học 2008-2009.

Hằng năm, cứ vào thời điểm các trường ĐH, CĐ, TCCN tổ chức lễ ra trường và phát bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên, thì cũng là lúc có nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước, các công ty TNHH… thông báo tuyển dụng việc làm. Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, song nghịch lý là vẫn có rất nhiều học sinh, sinh viên lại rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm các công việc chẳng ăn nhập gì với ngành nghề mà mình đã được nhà trường đào tạo trước đó.

Tốt nghiệp cao đẳng để… bán cà-phê

Vào thời điểm hiện nay, hầu hết sinh viên vừa mới ra trường bắt đầu đôn đáo cầm hồ sơ đi tìm việc làm. Tâm sự về chuyện đi tìm việc làm, chị P. Th. Ng. U. (quê huyện Điện Bàn, Quảng Nam), tốt nghiệp cao đẳng ngành quản trị văn phòng, Trường Đại học Đông Á cho biết: Suốt mấy tháng trời sau khi tốt nghiệp, tôi đã nộp gần 10 bộ hồ sơ tìm kiếm việc làm, nhưng sau khi phỏng vấn, các công ty hẹn chờ một thời gian rồi mới thông báo kết quả sau. Thế nhưng, chờ mãi vẫn không thấy công ty nào gọi đi làm.

Để có tiền chi tiêu trong những ngày “bám trụ” ở Đà Nẵng chờ tìm việc phù hợp với ngành nghề đã được học, không còn cách nào khác, U. xin đi phục vụ quán cà-phê, với mức thu nhập gần 1 triệu đồng/tháng. “Hồi còn học, mình mơ ước đủ điều tốt đẹp về tương lai, nhưng sau khi ra trường mới biết, xin việc làm thời buổi bây giờ khó khăn thật!”, chị U. buồn rầu nói.

Cũng như hoàn cảnh của chị U.,  tốt nghiệp ngành cơ khí ô-tô ở Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng đã gần một năm nay và nộp hồ sơ xin việc ở hàng chục công ty, nhưng anh Ng. V. H. (trú Quảng Trị) vẫn chưa có việc làm như mong muốn. Anh V. kể: Nộp hồ sơ ở công ty nào người ta cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc từ một năm trở lên. Trong khi đó, mình mới ra trường thì làm gì có kinh nghiệm như yêu cầu của họ. Vậy là hồ sơ bị loại ngay lập tức.

Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh nhà hàng và khách sạn loại khá, do Trường Đại học Duy Tân cấp hồi tháng 5-2010, chị Ph. Th. K. Ng, trú thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cứ hy vọng sẽ tìm được việc làm phù hợp ở các khách sạn, khu du lịch tương đối tốt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, qua 3 lần nộp hồ sơ xin việc, chị Ng. đều bị từ chối, với lý do trình độ tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thất vọng, Ng. đã đăng ký học thêm tiếng Anh để bổ sung kiến thức, với hy vọng sau này sẽ có được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được học.

Theo tìm hiểu, do không tìm được việc làm sau khi ra trường, hiện nay có rất nhiều sinh viên chấp nhận chọn các công việc lao động phổ thông, không cần đến bằng cấp như bưng bê tại các quán cà-phê, quán ăn hay làm nhân viên trực nghe điện thoại, gia sư… để kiếm sống, nuôi dưỡng ước mơ sẽ tìm được công việc thích hợp trong tương lai. Một số khác, sau khi học xong cao đẳng hay đại học, do không xin được việc đã chọn giải pháp là học tiếp, học liên thông hay học văn bằng hai để lại được bố mẹ nuôi. 

 Hạn chế từ sinh viên...

Trong những năm qua, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” xảy ra ở khá nhiều nơi. Chuyện học sinh, sinh viên sau khi ra trường không có việc làm hoặc làm việc trái ngành nghề không còn hiếm. Theo nhận xét chung của nhiều người làm công tác nhân sự ở các cơ quan, công ty đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sau khi tuyển dụng học sinh, sinh viên mới ra trường vào làm việc, họ phải đào tạo lại về trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng, sự tự tin trong giao tiếp... Đây chính là một hạn chế rất lớn của học sinh, sinh viên mà trong quá trình đào tạo, các trường ĐH, CĐ, TCCN chưa quan tâm đến.

Còn ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Tín Việt cũng chỉ ra nhiều hạn chế của học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Ông cho biết: Trong mỗi đợt tuyển dụng lao động về làm việc tại công ty, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều hồ sơ của học sinh, sinh viên mới ra trường. Nhưng trong quá trình phỏng vấn, bộ phận làm công tác tuyển dụng của công ty thật sự thất vọng khi thấy cách trả lời phỏng vấn, trình độ của nhiều em hạn chế về nhiều mặt. Không còn cách nào khác, công ty phải cho các em học việc trong một thời gian cho quen rồi mới dám phân công công việc cụ thể. Sinh viên không đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế còn có nguyên nhân nhiều sinh viên thi vào một trường đại học hay cao đẳng nào đó không phải vì ham mê, yêu thích hay có năng khiếu mà chỉ vì thi đại lấy một trường để đi học. Và trong quá trình đi học, bản thân học sinh, sinh viên không chịu khó rèn luyện, học tập, nên khi ra trường không tránh khỏi lúng túng khi tiếp cận với công việc. Trong khi đó, thị trường lao động đang ngày càng đòi hỏi những người thực sự có khả năng làm việc hiệu quả, có chất lượng cao.

Tuy nhiên, hiện nay ở các trường ĐH, CĐ, có rất nhiều ngành nghề được các trường tuyển sinh và đào tạo ồ ạt, không đáp ứng yêu cầu xã hội. Số lượng học sinh, sinh viên được đào tạo, ra trường hằng năm vượt gấp nhiều lần so với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, nên tình trạng học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm xảy ra ngày càng nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

Đọc thêm