Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Hà Nội. Các cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng trưởng 32% lợi nhuận trước thuế, tương đương khoảng 5.800 tỷ đồng cho năm 2021. Tổng tài sản cũng dự kiến đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm nay.
Đáng chú ý đây là các mục tiêu mới được điều chỉnh lên, bất chấp bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là từ đầu năm đến giờ.
Trả lời cổ đông về lý do tăng “KPI” lợi nhuận lên 5.800 tỷ đồng (tăng thêm 300 tỷ đồng so với tài liệu được công bố hồi đầu tháng 4), ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank - khẳng định, căn cứ trên kết quả kinh doanh thực tế quý I/2021.
“Quý I là quý có thời gian nghỉ Tết, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ít trong tháng 2 nhưng chúng ta có tăng trưởng tín dụng gần 5% trong quý I và đến nay tăng khoảng 7%” - ông Hưng cho biết.
Tương tự, kế hoạch lợi nhuận, các cổ đông cũng tự tin đặt mục tiêu tổng huy động đạt 221.893 tỷ đồng, tăng 20%. Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giầy tờ có giá ước đạt 172.010 tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác ước đạt 49.883 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 20% và 22%.
Dù các kế hoạch tăng trưởng đều “không phải dạng vừa đâu” nhưng ban lãnh đạo TPBank vẫn tự tin cho rằng đây là các mục tiêu “vừa sức” so với tiềm lực thực tế của ngân hàng.
Thực tế, quý I, lợi nhuận TPBank tăng hơn 40% so với cùng kỳ, lên trên 1.400 tỷ nhờ sự bứt phá từ thu lãi thuần và tiết giảm chi phí hoạt động. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.422 tỷ đồng, tăng 40,87% so với cùng kỳ năm trước và tăng 100% so với lợi nhuận của nhiều ngân hàng khác trong ba tháng đầu năm. Riêng 3 tháng đầu năm, tổng tài sản của TPBank tăng 22,38% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 216 nghìn tỷ đồng. Huy động trên thị trường 1 đạt hơn 144 nghìn tỷ đồng, tăng 36,06%.
Về hoạt động kinh doanh, tính đến 31/3/2021, dư nợ tín dụng của TPBank đạt hơn 138 nghìn tỷ, tăng 24,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động đạt xấp xỉ 2.800 tỷ đồng, tăng 15,17% so với quý I/2020. Đặc biệt, thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank tăng xấp xỉ 80% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những điểm sáng, khẳng định việc đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng đang phát huy hiệu quả cao.
Kết quả khả quan trên chính là sở cứ cho các mục tiêu khá tham vọng mà ngân hàng này tự đặt ra cho mình với quan điểm: “phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu nhièu thách thức do đại dịch Covid 19”.
TPBank LiveBank với nền tảng công nghệ số hiện đại có thể đáp ứng hầu hết các giao dịch. |
“TPBank đã bỏ xa đối thủ hơn 1 năm về chuyển đổi số”
8 năm trước TPBank chỉ là một ngân hàng nhỏ, thậm chí gần như bé nhất trong hệ thống ngân hàng. Nhưng chỉ sau 8 năm, TPBank đã nhanh chóng vượt mặt nhiều ông lớn, có thâm niên dày dạn hơn 20 năm để lọt vào top 15 ngân hàng quy mô nhất.
Vũ khí bí mật chính là tầm nhìn nhanh nhạy của Ban Lãnh đạo khi sớm tận dụng sức mạnh của chuyển đổi số để tạo ra đòn bẩy phát triển vượt bậc. TPBank là một trong số ít ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng nhiều công nghệ mới vào hoạt động với mức đầu tư lên đến hàng chục triệu đô la vào hạ tầng và mua các giải pháp từ châu Âu.
TPBank cũng là ngân hàng tiên phong trong việc đầu tư vào Blockchain, AI,...ứng dụng rất nhiều công nghệ về số, sinh trắc học, giúp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Năm 2020, TPBank đã đưa 75 robot vào hoạt động thay thế cho năng suất của 180 nhân viên làm việc toàn thời gian. Với hiệu quả nhìn thấy được từ ứng dụng công nghệ, dự kiến TPBank sẽ tuyển thêm 140 “nhân viên robot” trong năm nay.
Nói về tác động của Chuyển đổi số với sự “phát triển nóng” của TPBank, ông Đỗ Anh Tú – Phó Chủ tịch HĐQT - khẳng định: “Riêng về số hóa, chưa có ngân hàng nào đầy đủ như TPBank đang làm và ngân hàng đã vượt các đối thủ khác hơn 1 năm”.