Sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng: Vẫn còn nhiều vướng mắc

Đà Lạt - Lâm Đồng có thể được xem như là “thủ phủ” rau, hoa của cả nước nhưng phần lớn giống cây trồng ở Đà Lạt vẫn còn được “sao chép”, chiết, giâm,… một cách “vô tư”.

Đà Lạt - Lâm Đồng có thể được xem như là “thủ phủ” rau, hoa của cả nước. Đã có rất nhiều giống rau, hoa được cấy ghép, lai tạo mới có nguồn gốc xuất xứ từ thành phố trên cao này. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó vẫn còn được “sao chép”, chiết, giâm, gieo cây, hạt… một cách “vô tư” mà không có sự quản lý giám sát của những người sáng chế, phát hiện hay của các cơ quan chức năng. Câu trả lời là, vấn đề sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và đang trong tình trạng “thả nổi”.
Sản xuất giá hoa hồng.
Sản xuất giá hoa hồng.
Đà Lạt – Lâm Đồng, hiện có khoảng gần 50 cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật, phần lớn trong đó là của các công ty tư nhân, các cơ sở kinh doanh cá thể. Hàng năm các cơ sở này cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 21 triệu cây giống các loại, chủ yếu là các giống rau, hoa cao cấp và cây dược liệu. Không tính những loại được sáng chế, tạo mới … phần lớn trong đó, việc sao chép giống cây, lai tạo đều được các cơ sở này “thoải mái” thực hiện để kinh doanh mà không gặp “trở ngại” nào. Có thể nói, vấn đề sở hữu trí tuệ giống cây trồng vẫn còn đang được thả nổi, tình trạng này được giải thích bởi nhiều nguyên nhân khách quan: Một phần do các nhà tạo giống, các doanh nghiệp vẫn còn chưa “mặn mà”, các cơ quan chức năng còn chưa có sự quản lý chặt chẽ và những người sản xuất thì chỉ quan tâm đến các yếu tố lợi nhuận. Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, hay những cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín luôn xác định yếu tố sở hữu trí tuệ là một vấn đề “văn hoá”, cũng như có sự tôn trọng trong việc nhân giống để sản xuất kinh doanh, còn lại gần như những giống cây dù đã được đăng ký bảo hộ (chưa hết hạn) vẫn được các hộ, các cơ sở sản xuất nông nghiệp “hồn nhiên” nhân giống sản xuất mà không thông qua bất kỳ một sự đăng ký, xin phép nào. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 quy định chủ thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm hai đối tượng chính: Một là người sáng tạo ra giống cây trồng mới, hai là người phát hiện và phát triển giống cây trồng. Giống cây trồng được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện: Có tính mới, có tính khác biệt, có tính đồng nhất, có tính ổn định, có tên gọi phù hợp. Qua đó, chúng ta có thể thấy, Luật Sở hữu trí tuệ về giống cây trồng của Việt Nam gần như đã đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ theo Công ước UPOV (Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng) được nhiều quốc gia thừa nhận. Tuy nhiên, nhược điểm chính lại nằm ở chỗ chưa xác định được đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ. Điều này cũng chỉ rõ, hệ thống vận hành bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng vẫn chưa thực sự đồng bộ và chưa hiệu quả. Chính điều này, đã dẫn đến sự không “tôn trọng” trong sản xuất, kinh doanh của những cơ sở đối với cá nhân hoặc tập thể, những “chủ nhân” thực sự đã sản xuất, tạo giống ra các giống mới. Những giống hoa mới, rau mới do không sự quản lý chặt chẽ nên đã được “tuồn” ra ngoài một cách vô tội vạ, trồng ở khắp các vườn, trang trại mà vẫn không bị “nhắc nhở”. Trước mắt, vấn đề này còn chưa đem lại những hậu quả nặng nề. Do chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, những thói quen canh tác, ý thức và sự nhận biết của nhiều hộ nông dân, người sản xuất còn chưa cao và vẫn đang duy trì theo lối lạc hậu, sự “tha thứ”, dễ dãi vẫn còn đang nằm ở hai chữ “duy tình”. Tuy nhiên, khi đã gia nhập WTO, sự hội nhập với nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, ngành sản xuất nông nghiệp không chỉ giới hạn trong phạm vi tự cung, tự cấp nhỏ lẻ thì vấn đề sở hữu trí tuệ luôn phải được cân nhắc và đặt lên hàng đầu. Với Đà Lạt – Lâm Đồng, rau, hoa đang là một trong thế mạnh, động lực trong việc phát triển kinh tế (và cũng đã được biết đến như là một trong những yếu tố mũi nhọn của địa phương). Vấn đề sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng càng phải được xem trọng, ngay từ lúc này cần phải có sự nhập cuộc một cách nghiêm túc của tất cả các cơ quan ban, ngành, của ngay cả chính những người dân, để tránh tình trạng “dở khóc, dở cười” khi có sự cố xảy ra.
Tuấn Linh

Đọc thêm