Hàng nhập lên tới cả chục triệu USD
Như PLVN (ra ngày 18/11) đã thông tin, Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng đầu năm 2015, có tới 68 tấn chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi lĩnh vực y tế chỉ sử dụng khoảng 3,5 tấn, số còn lại chưa biết ai nhập và hiện đang được sử dụng hay cất giấu ở đâu.
Sau khi 2 bộ đưa ra con số cực kỳ “vênh” nhau, một nghi vấn được đặt ra: Nếu con số mà ngành NN&PTNT thông tin là có cơ sở thì 64,5 tấn Salbutamol còn lại được đưa vào Việt Nam từ nguồn nào? Tiến hành truy tìm đường đi cũng như số lượng chính xác của các chất nói trên có như con số mà phía Bộ Y tế đưa ra, phóng viên Báo PLVN đã xác minh và có trong tay những số liệu khiến nhiều người phải giật mình.
Theo đó, lượng hóa chất Clenbuterol và Salblutamol được nhập khẩu vào nước ta theo con đường chính ngạch, được cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan có trị giá lên tới gần 10,7 triệu USD - nhiều hơn rất nhiều con số 3,5 tấn mà Bộ Y tế đưa ra trước đó.
Nguồn tin từ Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho hay, tính từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 30/9/2015, nếu chỉ tính riêng số nguyên liệu Salbutamol nhập vào Việt Nam cũng đã lên tới con số 4,6 tấn (trị giá 330 ngàn USD).
Tuy nhiên, ngoài nguyên liệu hóa chất Salbutamol nguyên bản được nhập khẩu theo đơn vị tính là kilôgam, còn một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số khó tin: 1,9 triệu bao, với trị giá lên tới 9,8 triệu USD.
Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn chai, ống, gói với trị giá khoảng hơn nửa triệu USD với tên gọi “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Clenbuterol, Salbutamol cũng đã được nhập về trong nước để sử dụng.
Theo tìm hiểu của PLVN, trong số 1,9 triệu bao “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol, mặc dù cơ quan hải quan chưa xác định được chính xác trọng lượng là bao nhiêu kilôgam, nhưng với mã hàng này cho thấy đây là nhóm các sản phẩm thuốc đã hoặc chưa pha trộn dùng cho phòng bệnh hoặc chữa bệnh, đã được đóng gói hoặc làm thành dạng đóng gói để bán lẻ?
Không cấm nhập khẩu
Về chính sách quản lý mặt hàng Clenbuterol, Salbutamol trong lĩnh vực y tế, đại diện Cục Giám sát quản lý cho biết, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu thuốc khi làm thủ tục nhập phải đảm bảo hồ sơ hải quan theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Theo đó, khi tiếp nhận bộ hồ sơ hải quan, căn cứ thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan đối với mặt hàng nói trên, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, cơ quan hải quan sẽ thực hiện thông quan lô hàng hoặc thông báo cho người khai hải quan việc nộp, xuất trình một đến toàn bộ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Cũng theo đại diện của Cục này, ngoài kiểm tra tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế, trị giá hải quan, xuất xứ, kiểm tra giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan còn phải kiểm tra thực tế hàng hóa, cụ thể sẽ xác định chất lượng hàng hóa để làm cơ sở áp dụng chính sách thuế và chính sách quản lý mặt hàng.
Trường hợp không đủ cơ sở để xác định chất lượng hàng hóa thì tiến hành trưng cầu giám định tại tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định theo quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan căn cứ kết luận của tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định để quyết định việc thông quan.
Cục Quản lý giám sát khẳng định, căn cứ Phụ lục danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người ban hành kèm Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc thì mặt hàng có tên hoạt chất là Clenbutarol không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu.
Đến thời điểm này, việc nghi nhập lậu 68 tấn hóa chất Clenbuterol và Salblutamol rồi tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi đang được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an điều tra làm rõ. PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc này khi có diễn tiến mới.
1,9 triệu bao “thuốc tân dược” chứa Salbutamol đã vào Việt Nam
Tin riêng của PLVN cho hay, ngoài nguyên liệu hóa chất Salbutamol nguyên bản được nhập khẩu, còn một mã hàng hóa dưới tên gọi “thuốc tân dược” có chứa Salbutamol cũng đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số khó tin: 1,9 triệu bao, trị giá lên tới 9,8 triệu USD. Mã hàng này cho thấy đây là nhóm các sản phẩm thuốc đã hoặc chưa pha trộn dùng cho phòng bệnh hoặc chữa bệnh, đã được đóng gói hoặc làm thành dạng đóng gói để bán lẻ?