Hơn 64 tấn chất tạo nạc (Salbutamol) đang ở đâu?

(PLO) - Chín tháng của năm 2015 có tới 68 tấn chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam? Trong khi lĩnh vực y tế chỉ sử dụng khoảng 3,5 tấn, số còn lại chưa biết ai nhập và hiện đang được sử dụng hay cất giấu ở đâu.
Salbutamol tồn dư trong thịt heo có thể gây nguy hại cho người ăn
Salbutamol tồn dư trong thịt heo có thể gây nguy hại cho người ăn
Công an ráo riết truy lùng
Một nguồn tin có thẩm quyền cho biết, vụ nghi nhập lậu 68 tấn hóa chất Clenbuterol và Salblutamol rồi tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc trong chăn nuôi đang được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an điều tra làm rõ. 
Trả lời PLVN, lãnh đạo C49 xác nhận thông tin trên nhưng “chưa thể cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan cho báo chí”. Trước đó, tại hội nghị trực tuyến về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã công bố thông tin: trong 9 tháng đầu năm 2015 có 68 tấn chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ này cho rằng con số này là quá nhiều vì thực tế số lượng Salbutamol được sử dụng trong lĩnh vực y tế là rất ít. 
Đáng chú ý, ngay sau thông tin trên được công bố, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẳng định Sabutamol nhập khẩu về Việt Nam theo nhu cầu điều trị (có sự giám sát của Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay chỉ là 3,5 tấn chứ không nhiều như Bộ NN&PTNT công bố. 
Sau khi 2 bộ đưa ra con số “vênh” nhau, một nghi vấn được đặt ra: Nếu con số mà ngành NN&PTNT thông tin là có cơ sở thì 64,5 tấn Sabutamol còn lại được đưa vào Việt Nam từ nguồn nào? Và có hay không số hóa chất này được các doanh nghiệp nhập lậu rồi tuồn ra thị trường, và một số người chăn nuôi đã mua đem trộn vào thức ăn tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn(?).
Nhằm làm rõ nghi vấn này, phóng viên đã liên lạc và được lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, vấn đề này Bộ trưởng NN&PTNT đã giao Thanh tra bộ làm rõ. Trả lời PLVN, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài việc thụ lý của cơ quan công an, Bộ này cũng đã thành lập đoàn công tác để đôn đốc các tỉnh làm rõ. “Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai, C49 đang điều tra nên sau khi có kết quả, chúng tôi mới có thể công bố rộng rãi tới báo chí được”, ông Việt nói thêm.      
Dùng chất trị bệnh hen vỗ béo vật nuôi
Nghi vấn về hàng chục tấn hóa chất cấm được tuồn vào Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi việc sử dụng chất này trong chăn nuôi đang trở thành vấn đề nhức nhối. Theo tìm hiểu của PLVN, trong y tế Sabutamol là một chất được sử dụng nhiều trong chuyên khoa hô hấp với chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, co thắt phế quản... và còn được sử dụng trong sản khoa. Chất này có tác dụng duỗi các cơ của đường dẫn khí, làm giãn rộng đường dẫn khí để việc hô hấp dễ dàng hơn. 
Tuy nhiên, trong nông nghiệp đây là chất tăng trọng, tạo nạc được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới vì chất này để lại tồn dư trên sản phẩm và về lâu dài sẽ gây nguy hại cho sức khỏe  con người. Nếu người tiêu dùng sử dụng nhiều thực phẩm có chất nói trên sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc kháng sinh và ngành y tế sẽ khó khăn trong điều trị bệnh.
Trong một diễn biến khác, sáng 16/11 Thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT và Cục C49 đã niêm phong hàng tấn hàng hóa là sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo nạc Salbutamol và chất Vàng ô. 
Cụ thể, tại cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi của Cty TNHH Trường Phú (Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), đoàn thanh tra phát hiện 3 thùng sắt, trọng lượng ghi trên vỏ mỗi thùng là 30kg hoạt chất Auramine. Chủ cơ sở thừa nhận đang sử dụng 46kg. 
Cùng ngày,  một đoàn thanh tra khác của Bộ NN&PTNT phát hiện tại khuôn viên Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Văn Lâm, Hưng Yên) có hàng chục thùng rỗng dùng để chứa Auramine. Tại đây, có 11 thùng chứa hoạt chất Vàng ô, trong đó có 10 thùng đã dùng hết, 1 thùng còn lại 20kg đang chuẩn bị được đem đi phối trộn với thức ăn chăn nuôi.
Được biết, Auramine cũng là chất cấm và thường chỉ dùng trong công nghiệp dệt nhuộm, công nghiệp giấy, cấm dùng trong công nghiệp thực phẩm vì khi vào cơ thể, chất này không thể đào thải ra ngoài. Tích lũy lâu trong người, tồn dư của chất này có khả năng gây ung thư và nhiều loại bệnh khác.  

Đọc thêm