Số phận bí ẩn của cậu bé bị bỏ rơi

Thời gian qua, dư luận xã Hồng Thái (huyện Việt Yên, Bắc Giang) xôn xao về một cậu bé bị bỏ rơi và được một ông già bán rau cưu mang...

Thời gian qua, dư luận xã Hồng Thái (huyện Việt Yên, Bắc Giang) xôn xao về một cậu bé bị bỏ rơi và được một ông già bán rau cưu mang. Người thì cho rằng cậu bé hư nên bỏ nhà đi, kẻ lại bảo: “Nó nhiễm HIV nên bị cha mẹ bỏ rơi”. Trên đường chở cháu bé ấy đi xét nghiệm, ông già tốt bụng ấy không may bị tai nạn…
Ông Tuyên và cánh tay chưa lành trong lần đưa em Niên đi xét nghiệm
Ông Tuyên và cánh tay chưa lành trong lần đưa em Niên đi xét nghiệm
Bí ẩn về gia đình
Tối 22/9, nhiều người dân bán hàng trước cổng Công ty may Hà Bắc (Hồng Thái, Việt Yên) phát hiện một cậu bé tên ngồi vật vờ trước cổng công ty, cho gì ăn nấy, đêm nằm ngủ ngay trên ghế đá cạnh một chiếc xe đạp cũ kỹ. Cậu bé mặt mũi khôi ngô, cao tầm 1m, mặc chiếc áo kẻ sọc, quần màu tím than cũ kĩ, gấu rách bươm. Đến ngày thứ hai, thương cháu bé ngủ vật vờ ngoài đường, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1940) hành nghề bán rau gần đó đã đưa em về nhà cho ăn ở. Nhiều độc mồm độc miệng phao tin có khả năng em bé này ham chơi, bị bố mẹ đánh mắng, sợ quá đã bỏ nhà đi hoặc có nhiễm H (bị HIV) thì mới bị cha mẹ cố tình bỏ rơi. Nghe vậy, ông Tuyên chở Đào Trung Niên (tên cậu bé) lên thành phố xét nghiệm và khám sức khỏe toàn thân. Kết quả xét nghiệm cho thấy, Niên âm tính với các căn bệnh truyền nhiễm và đánh tan được nghi ngờ của hàng xóm. Ông Tuyên rất thương Niên, nhưng vì gia đình đông con cháu (6 người con và 11 người cháu) hai vợ chồng già yếu nên ông không thể cưu mang được em, đành đưa lên bàn giao cho công an xã Hồng Thái giải quyết. Tại trụ sở công an xã, cậu bé khai hiện đang ở với ông bà ngoại ở Đông Kinh, Lạng Sơn. Em đang học ở lớp 7A, trường THCS Đông Kinh, TP Lạng Sơn. Nhưng khi công an xã gọi điện lên trường THCS Đông Kinh để xác nhận thông tin thì đại diện trường học cho biết: không có em học sinh nào như vậy cả. Để chắc chắn hơn, nhà trường cũng tiến hành tìm kiếm hồ sơ của cả học sinh khối 6, 7, 8 nhưng kết quả đều là không có. Anh Mạnh cho biết: “Chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại xem em còn có tên nào khác dùng ở trường học không nhưng em vẫn cứ một mực theo lời khai ban đầu”. Khi hỏi về thông tin gia đình, Niên khai báo với công an là bố em là Đào Trung Hùng làm nghề lái xe taxi, mẹ là Nguyễn Ngọc Hồng làm nghề buôn bán bánh kẹo ở Hà Nội. Bố mẹ sống ly thân nên hai anh em ở với ông bà ngoại tên là Định và Liên. Điều đáng nói là em không nhớ được gì về địa chỉ nhà ông ngoại. Các cán bộ đã tìm mọi cách để tìm hiểu thông tin nhưng đều bất lực. Em kể lại: “Bố về nhà ông ngoại đưa hai anh em đi trên chiếc xe khách của bố. Ông bà ngoại ngăn cản không cho nhưng bố dọa đánh cả hai ông bà để đưa đi. Đến Bắc Giang, bố thuê nhà nghỉ rồi đưa em đi qua cổng công ty Hà Bắc. Bố bảo em cứ chờ ở đấy bố đi đón mẹ về rồi nhà mình ở đây luôn. Em đã chờ đợi ở đấy từ chiều tối ngày 20/9 đến ngày 22/9 nhưng mãi không thấy bố về đón". Em còn cho biết thêm về nhà nghỉ mà bố đã thuê có 3 tầng và con đại bàng rất lớn trước cổng. Ngay lập tức, các đồng chí công an đi xác minh tất cả những nhà nghỉ có con đại bàng trên địa bàn. Mãi mới có thông tin về một nhà nghỉ cách địa bàn khá xa có con chim như lời cậu bé nói. Nhưng khi đến nơi, các đồng chí lại một lần nữa thất vọng trở về… Anh Minh cho biết: “Trước đây, có 1 cháu được đưa về trụ sở cũng khai bị bỏ rơi, nhưng khi theo thông tin địa chỉ cháu nói, chúng tôi tìm được và đưa cháu về với gia đình. Còn với cháu Niên, đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên vì chúng tôi không thể tìm ra manh mối nào về gia đình cháu cả.Cháu nói chuyện với vẻ mặt rất thật thà, không có dấu hiệu gì là nói dối hay quanh co. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, tôi không thấy cháu có chút biểu hiện nào của khai gian…”.Ông già bán rau và tấm lòng hiếm có Cậu bé Niên được ông Nguyễn Văn Tuyên cưu mang trong những ngày đầu bơ vơ ở Việt Yên. Khi hỏi chuyện, ông hiền từ kể: “Nhà tôi có một thằng cháu hư hỏng cũng từng bỏ nhà ra đi. Tôi không biết lý do cháu Niên đi lang thang là gì, nhưng tôi nghĩ có lúc cháu mình cũng đã như nó nên đưa cháu về nuôi ăn nuôi ở”.
Tài sản lớn nhất mà Niên có lúc đó là chiếc điện thoại Nokia nắp trượt đã cũ
Tài sản lớn nhất mà Niên có lúc đó là chiếc điện thoại Nokia nắp trượt đã cũ
Tài sản lớn nhất mà Niên có lúc đó là chiếc điện thoại Nokia nắp trượt đã cũ. Lần trong danh bạ hay các cuộc gọi, tin nhắn để tìm bố mẹ cho em đều trống không. Chiếc sim điện thoại cũng không còn sử dụng được nữa. Nhận cháu bé về, ông Tuyên hớt hải đi xin lại quần áo của các cháu trong họ cho Niên mặc, rồi giục vợ đi mua khăn mặt, bàn chải, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày… cho cậu bé. Ông bảo: “Ở với chúng tôi chỉ có mấy ngày nhưng cháu rất thân thiết với cả nhà, bảo gì nghe nấy, thậm chí còn chủ động dọn chiếu, quét nhà, cho em ăn cơm… Trong nhà ai cũng quý mến cháu bé”. Vợ ông Tuyên cũng tỏ ra lo lắng: “Từ ngày cháu về đây, hàng xóm láng giềng cũng có người nói ra nói vào như cháu là trẻ hư, bỏ nhà đi... Nhưng tôi biết cháu là con nhà tử tế vì khi chúng tôi đi bán hàng tiền mặt, điện thoại, đồng hồ để ngay trong phòng không khóa cửa mà cháu cũng chẳng tơ tưởng gì”. Trong lần chở Niên đi xét nghiệm máu và khám sức khỏe, ông Tuyên không may gặp nạn. Trời mưa to, đường trơn lại tuổi già, ông ngã xe, bị gãy xương bả vai. Cánh tay hiện đang phải bó bột, ông phải nghỉ làm quanh quẩn ở nhà. Gánh hàng rau, dưa cà… lâu nay ông bán ở cửa công ty Bắc Hà nay đành để vợ đảm đương. Ông rơm rớm nước mắt: “Thằng bé này lạ lắm. Nó biết nó bị bỏ rơi mà lúc nào cũng bảo ông đi bán hàng phải chú ý giúp nó ở cổng xem bố nó có về đón hay không”. Nhà đông con cháu, ông Tuyên không thể nuôi cháu mà lòng ông quặn thắt. Niên được chính quyền xã chuyển lên Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Bắc Giang nuôi dưỡng. Ngày đưa cậu bé đi, ông gói ghém cho Niên vài bộ quần áo, thuốc, đồ dùng sinh hoạt. Ông gạt nước mắt: “Nhìn nó thương lắm, mặt nó bần thần ra bảo tôi cho nó về nhà tôi ăn một bữa cơm cuối, rồi cứ dặn đi dặn lại là để chiếc xe đạp của nó ở trước cổng công ty để khi bố đến tìm, còn có cái làm chứng và nhận dạng nó đang ở đây để đón nó…”. Khi chúng tôi về, ông dặn dò: “Các cô có lên trại thì cho tôi gửi lời hỏi thăm thằng bé nhé. Bao giờ cái tay này lành tôi và bà nó sẽ lên đấy, rõ khổ!”. Giữa cái nắng mùa thu hanh hao, những giọt nước mắt hiếm muộn của người đàn ông đã qua tuổi 65 vẫn tự nhiên chảy trên gương mặt già nua ấy. Lời nói ông nghẹn lại, ông dùng cánh tay lành còn lại gạt chúng đi. (Còn nữa)
Theo Hồng Nhung - Ngọc Trang
VietNamNet

Đọc thêm