Số phận long đong của một tuyệt tác nghệ thuật vô giá

“Long đong” ở đây quả là chính xác, ứng với số mệnh của “Thần Cừu” - một tuyệt tác trong làng hội hoạ thế kỷ 15. Trong gần 600 năm tồn tại, nó đã trải qua biết bao thăng trầm với những hành trình long đong, lận đận mãi mới được trở về đúng vị trí của nó. Ngày nay, mỗi khi tới thành phố Ghen-tơ (Bỉ), du khách thế giới không thể không tới Bảo tàng Nghệ thuật của thành phố để chiêm ngưỡng tuyệt tác này.

“Long đong” ở đây quả là chính xác, ứng với số mệnh của “Thần Cừu” - một tuyệt tác trong làng hội hoạ thế kỷ 15. Trong gần 600 năm tồn tại, nó đã trải qua biết bao thăng trầm với những hành trình long đong, lận đận mãi mới được trở về đúng vị trí của nó. Ngày nay, mỗi khi tới thành phố Ghen-tơ (Bỉ), du khách thế giới không thể không tới Bảo tàng Nghệ thuật của thành phố để chiêm ngưỡng tuyệt tác này.

Số phận chìm nổi của “Thần Cừu”

Năm 1566, phong trào bài trừ, đập phá tượng thánh bùng lên khắp xứ Phalan-đơ (Flanders - một vùng đất của nước Bỉ ngày nay). Những kẻ cuồng giáo, quá khích đã khởi xướng phong trào này nhằm tiêu diệt hết những cái mà họ liệt vào danh sách tà giáo, trong đó có bức tranh “Thần Cừu”. May mắn là những người dân thành Ghen-tơ đã biết trước, có kế hoạch tháo dỡ, bọc lại cẩn thận và cất giấu lên mái nhà thờ. Khi những kẻ cuồng đồ xông vào nhà thờ Ghen-tơ thì chỉ còn những khung cột với những lỗ trống hoác trên bệ đá, nơi đóng khung bức tranh trước đó. Chỉ 20 năm sau, khi phong trào đập phá tượng thánh chấm dứt thì bức tranh mới trở về được vị trí của nó.

 

Hơn hai thế kỷ sau, năm 1794, vó ngựa quân đội Na-pô-lê-ông giày xéo xứ Phlan-đơ. Một lần nữa, các công dân thành Ghen-tơ bàn cách bảo vệ bức tranh “gia bảo” của mình. Song cách bảo vệ của họ lúc này kém hiệu quả trước đội quân hừng hực khí thế cách mạng tư sản. Họ đóng cửa sau nhà thờ, lăn đá, panen bê tông lên đầu quân Pháp. Nhưng nỗ lực đó đã không cứu được tuyệt tác này. Quân Pháp đã phá tung được những cánh cửa khổng lồ của nhà thờ và cướp đoạt được 4 tấm tranh chưa kịp cất giấu. 4 tấm tranh này được trưng bày nhiều tháng tại Bảo tàng Lu-vơ-rơ như những “chiến lợi phẩm” đáng “tự hào” của nước Pháp đối với châu Âu thời đó.

Sau thất bại ở Oa-téc-lô năm 1815, đế chế Na-pô-lê-ông sụp đổ. 4 tấm tranh đã được trở về với người dân thành Ghen-tơ. Song việc “châu về hợp phố” này kéo dài không lâu. Chỉ một thời gian sau, chương đau buồn nhất trong lịch sử truân chuyên của tuyệt tác này đã xảy ra: Toàn bộ các tấm tranh về “Thần Cừu” đã bị người quản lý nhà thờ Ghen-tơ đem bán cho vua Phổ, trừ bức hoạ “Adam và Eva”. Chúng lại tiếp tục số phận chìm nổi tại Bảo tàng Béc-lanh. Việc bán đi một báu vật như vậy chưa từng xảy ra ở thành phố Ghen-tơ nhỏ bé nhưng tràn đầy tình yêu nghệ thuật này. Chính vì vậy mà những chủ nhân thành phố đó lại càng trân trọng bức tranh “Adam và Eva”, phần còn lại của toàn bộ kiệt tác “Thần Cừu”.

Năm 1822, một trận hoả hoạn suýt thiêu huỷ nốt  phần công sức của họ. Khói đen dày đặc, than cháy suýt nữa biến hai tấm tranh trên thành mồi ngon cho “bà hoả”. May thay, người dân xứ đạo này đã kịp thời chuyển chúng đến chỗ an toàn.

Gần một thế kỷ sau, bằng nhiều cách (chuộc lại, chuyển nhượng…), các bức tranh ghép của “Thần Cừu” đã được tập hợp lại và giấu ở chỗ kín để tránh thảm hoạ của cuộc Chiến tranh thế giới I. Chúng phải “mai danh ẩn tích” cho đến tháng 11 năm 1920 mới ra mắt công chúng, đánh dấu sự trở lại huy hoàng của một tác phẩm nổi tiếng thế giới.

Mùa xuân năm 1940, bóng ma của chủ nghĩa phát-xít và chiến tranh đã lan toả khắp châu Âu. Xe tăng của Đế chế III gầm thét và giẫm nát thành Ghen-tơ. Hít-le là kẻ rất khao khát trong việc chiếm đoạt các tác phẩm nghệ thuật mà đầu bảng là bức tranh “Thần Cừu”. Biết trước âm mưu đó, các quan chức trong nhà thờ gửi tranh đến lâu đài Pau ở Tây Nam nước Pháp. Không thể làm gì được, Hít-le rất cay cú. Hắn dò tìm khắp nơi và cuối cùng đã đạt được mục đích. Năm 1942, một đặc phái viên của hắn được cử đến lâu đài Pau cướp lấy cái hắn hằng tâm mong muốn. Tác phẩm này bị đưa tới một lâu đài đẹp ở xứ Ba-va-ri-a. Nhưng đó chưa phải là điểm “dừng chân” cuối cùng của “Thần Cừu”…

Cuộc chiến cứu  “Thần Cừu”

Năm 1942, trong những ngày vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh lớn nhất thế kỷ, một cuộc đua tranh quyết liệt đã diễn ra. Một bên là một đội đặc nhiệm săn lùng báu vật nghệ thuật của Mỹ mà hai thành viên chủ yếu từng trải là Rô-bớc Pô-sy (Robert Posy) và Lin-côn Kiếc-xten (Lincoln Kirstein). Bên kia là các thành viên Đức quốc xã muốn thiêu huỷ các báu vật vì không muốn chúng rơi vào tay quân Đồng minh. Trong vòng ba năm (1942-1945), Pô-sy và Lin-côn Kiếc-xten đến Đức để truy tìm dấu vết của “Thần Cừu”. Đầu năm 1945, tại ngoại ô thành phố Trai-ơ (Trier), họ gặp tiến sĩ Héc-man và Gơ-ring. Viên cựu sĩ quan này tiết lộ rằng bức tranh quý giá đang được cất giấu tại mỏ muối An Ốt-xy (Alt Aussee) nằm ở địa thế cao vùng núi gần  San-do-buốc (Salzburg), Áo.

Ở mỏ muối này, Hít-le cho tàng trữ 6000 tác phẩm mà hắn đã ăn cướp được từ khắp nơi và điều các đội quân Đức tới đóng ở đó để bảo vệ. Các máy bay của phe Đồng minh đã phải thả bom giã nát cả khu vực rồi tung quân tinh nhuệ mới đè bẹp được sự chống trả quyết liệt của đối phương. Thế nhưng có thể đã có một phép màu nào đó giữ được bức hoạ nguyên vẹn trong bom đạn ác liệt như vậy.

Một xe tải dừng trước cửa mỏ muối An Ốt-xy chở các thùng gỗ thưa đề chữ: “Đá cẩm thạch: không để rơi!”. Các thợ mỏ do bọn Đức quốc xã tuyển lựa để bảo quản các báu vật trong những đường hầm được lệnh bỏ mỗi một thùng vào một túi quặng. Điều tồi tệ nhất sắp xảy ra: Chúng định phá huỷ các báu vật!

Căm thù trước hành vi phản văn hoá của những “tên đồ tể của thế kỷ XX” đã khiến người thợ mỏ vùng Salzburg đi đến quyết định: Phải cứu kho di sản văn hoá tiền nhân truyền lại cho hậu thế này! Thời gian rất gấp và tình thế vô cùng căng thẳng. Nếu lộ, họ sẽ bị bắt và kết tội tử hình. Họ đề ra kế hoạch táo bạo: Di chuyển các tác  phẩm nghệ thuật trong các thùng gỗ đến một nơi an toàn dưới sự yểm trợ của quân Đồng minh, liên hệ với đội đặc nhiệm của Pô-sy và Kiếc-xten và chuẩn bị thuốc nổ đánh sập cửa hầm để ngăn chặn bước tiến của kẻ thù. Kế hoạch của họ thành công, kịp thời đưa được các tác phẩm nghệ thuật ra khỏi vùng ném bom và cuộc tấn công vũ bão của quân Đức hòng giành lại các báu vật đó.

Pô-sy và Lin-côn Kiếc-xten đến một ngày sau đó. Dọc theo hành lang hẹp dưới một cửa hầm cất giấu là một cửa có khoá móc bằng sắt. Mở khoá, họ sững người vì vẻ đẹp của “Thần Cừu” và các đồ tạo tác tuyệt đẹp. Đặc biệt, “Thần Cừu” vẫn nguyên lành trong các thùng gỗ trong hang mà không hề bị suy suyển. Kiếc-xten không bao giờ quên được cảm giác xem tranh “Thần Cừu”, ngắm vương miện của Đức Mẹ đồng trinh lấp lánh trong ánh đèn chập chờn. Sau này ông viết trong hồi ký: “Yên bình và đẹp đẽ, bức “Thần Cừu” hoàn toàn yên bình và đẹp đẽ”. Đội đặc nhiệm của Pô-sy đã giữ và bảo quản bức danh hoạ này một thời gian, tẩy rửa và phục chế. Ngày 19-5-1951, bộ tranh được chính thức đưa về Ghen-tơ trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân xứ này.

Một tác phẩm tuyệt mỹ về nghệ thuật

... Một buổi sáng năm 1432, Gian-van Ếch-sơ (Jan van Eych), một trong những danh hoa nổi tiếng của xứ Phlan-đơ, ngồi trong xưởng vẽ thành phố Bờ-ru-gơ (Bruges). Ông kiểm tra lại toàn diện bức vẽ khổng lồ như một viên ngọc nhiều màu lấp lánh trải dài trước mắt. Người hoạ sĩ dáng mảnh khảnh có vẻ mặt nghiêm nghị này rất mệt mỏi. Song ông tràn đầy nhiệt huyết mong muốn hoàn thành bức tranh lớn gồm 12 tấm với khung gỗ sồi theo nhiều cỡ, thể hiện nhiều cảnh được vẽ bằng những nét cọ cần cù, tỉ mỉ trong suốt 6 năm trên những tấm vải sơn dầu cỡ vừa. Ông muốn hoàn thành công việc mà người anh ruột Hiu-boớc Ếch-sơ (Hubert van Eych) để lại sau khi chết. Tấm lớn nhất thể hiện “Thần Cừu” sáng chói đứng trên đài thờ. Xung quanh đầy hoa cúc nở với các thiên thần và mục sư đang cầu nguyện. Bên trên là hình ảnh của Chúa Giê-su (Jesus), hai bên có Đức mẹ Ma-ri-a và Thánh Giôn Báp-tít đứng cầu nguyện. Bên dưới là một đoàn phán quan, hiệp sĩ, ẩn sĩ đang cầu nguyện. Gấp tranh lại thì người xem sẽ thấy bức tranh “Lời phán truyền nổi tiếng”. Toàn bộ bức tranh dài 4,8 mét, rộng 3,9 mét.

Bức tranh được coi như một báu vật nghệ thuật. Vẻ huy hoàng của nó sánh ngang với bức tranh “Tạo thiên lập địa” nổi tiếng trên trần nhà Thánh đường Xít-xtin ở Italia một thế kỷ sau. Giờ đây, chúng được sự bảo vệ cẩn mật trong kính chống đạn ở nhà thờ của thành phố Ghen-tơ để toàn thế giới tham quan và chiêm ngưỡng. Số phận truân chuyên của tác phẩm này không làm mờ phai mà ngược lại càng làm sáng tỏ hơn nữa một giá trị tuyệt mỹ của nền văn minh nhân loại.

Hồng Quang
(Tổng hợp tư liệu nước ngoài)

Đọc thêm