Sợ thôi, đừng sợ quá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Chỉ cần đeo khẩu trang loại tốt, đeo kính chống giọt bắn, đeo găng tay, tuân thủ 5K và vaccine thì có thể gọi là “bất tử” trước COVID-19."
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến thời điểm này, nếu hỏi hơn 16 triệu người dân Bình Dương và TP HCM, hai địa phương là tâm dịch trong đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư, chắc chắn trừ con nít chưa biết nói thì ai cũng đã dần quen với cái tên “COVID-19”; hầu như ai cũng đã từng bị nhiễm, hoặc có người thân trong gia đình, hoặc biết người xung quanh mình là F0.

“Cơn bão” COVID-19 đã từng có những tháng ngày ăn quá sâu, hoành hành quá lâu vào cộng đồng hai địa phương này.

Tôi nhớ lần đầu tiên mình nhìn thấy rành rành một F0 bằng xương, bằng thịt trước mắt mình. Đó là một ngày đầu tháng 8/2021, khi đi tham gia một chương trình cung cấp thuốc điều trị cho Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức. Hai bên bàn giao thuốc ngay trên vỉa hè trước cổng bệnh viện. Đúng lúc đó, hai điều dưỡng đẩy xe lăn đưa một F0 từ khu vực bệnh nhẹ sang “tháp” cao hơn. Một người đẩy xe, một người ôm bình ôxy. Đó là một nữ bệnh nhân tuổi trung niên, ngồi bất động trên xe, vẻ mệt mỏi.

Dù đã sống tại tâm dịch Sài Gòn suốt nhiều tháng, ngày ngày tiếp xúc với thông tin về COVID-19, thành phố đã có cả trăm ngàn ca bệnh, nhưng đó là lần đầu tiên tôi thấy 1 F0 ngay trước mắt mình. Cơ quan chuyên môn ráo riết đi truy lùng gom những người liên quan COVID-19 (và sau này đã thừa nhận đây là phương pháp sai lầm), nên mấy ai nhìn thấy đích xác một người là F0. Hơn nữa, do quan niệm sai lầm, người Sài Gòn những ngày đầu đại dịch đã có những lúc sợ hãi một cách cực đoan quá mức với người nhiễm bệnh.

Về phía bản thân tôi, lần đầu nhìn thấy một F0 ở ngay trước mặt mình khoảng 10m, cảm giác sợ hãi, có thể gọi là hơi ám ảnh. Xong công việc, về nhà, buổi chiều tối đó tôi “tự cách ly” trong phòng, tay lăm lăm chiếc máy đo nhiệt kế, cứ dăm phút lại tự gí vào trán mình.

Sài Gòn sau đó là những ngày đỉnh dịch, số ca nhiễm lên tới nhiều ngàn người mỗi ngày, xe cấp cứu chạy như mắc cửi trên đường suốt ngày đêm, các ca F0 “nổ lốp đốp” quanh nhà, lác đác bạn bè, người thân của chính mình mắc, tới lúc đó tôi mới biết F0 không đáng sợ như mình đã lầm tưởng. Trực tiếp những bác sĩ điều trị COVID-19 khẳng định số người đã chích vaccine dù có nhiễm thì tỷ lệ tử vong vô cùng thấp.

Chỉ cần đeo khẩu trang loại tốt, đeo kính chống giọt bắn, đeo găng tay, tuân thủ 5K và vaccine thì có thể gọi là “bất tử” trước COVID-19. Nhiều người đã không qua khỏi, nhưng cũng phải khẳng định vô số người đã mắc, thậm chí không chạy chữa mà tự trị bệnh tại nhà, vẫn tự khỏi. Thế nên nhớ lại cảm giác sợ hãi khi lần đầu gặp F0, đến giờ tôi vẫn tự chế giễu mình.

Những ngày qua, tại Hà Nội và một số địa phương, hàng trăm ca F0 mỗi ngày. Hà Nội đòi người từ Sài Gòn ra phải tự cách ly trong 7 ngày. Một đồng nghiệp của tôi đi công tác ngoài Hà Nội cho hay, sau khi chuyến bay hạ cánh, tới một trạm y tế phường khai báo thì nhân viên y tế vừa nghe giới thiệu đã xua tay “mời anh về nơi cư trú rồi gọi điện, chúng tôi hướng dẫn qua điện thoại”.

Câu chuyện cho thấy rất nhiều người đã sợ hãi quá mức trước COVID-19, coi rằng đó là con “quái vật”.

Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm đau thương từ Sài Gòn. Chúng ta đã được phủ vaccine. Cả nước đã thống nhất áp dụng nguyên tắc cả thế giới đang thực hiện là “sống chung với COVID-19”. Thế nên chỉ cần sợ, chứ đừng nên sợ quá, sẽ hóa tác dụng ngược và đưa đến nhiều hệ lụy.

Đọc thêm