Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang đi đầu trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số, từng bước hoàn thiện xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở luôn tích cực tham mưu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống xã hội của tỉnh và cả nước; tăng cường quản lý thông tin trên hệ thống báo điện tử, mạng xã hội. Mạng lưới bưu chính, viễn thông, Internet đảm bảo hoạt động ổn định và tiếp tục phát triển, phục vụ tốt việc chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và thông tin liên lạc của các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Doanh thu lĩnh vực viễn thông ước đạt 2.657 tỷ đồng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trong tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện qua mạng Internet ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Tổng hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 là 256.082 hồ sơ, trong đó, hồ sơ phát sinh trực tuyến là 37.490 hồ sơ, hồ sơ tiếp nhận mức độ 3 và 4 là 163.289 hồ sơ.

Hội nghị Tổng kết công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông năm 2022

Hội nghị Tổng kết công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông năm 2022

Sở hoàn thành việc triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối các sở, ban, ngành và 15 huyện, thành phố và 144 xã, phường, thị trấn. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được duy trì, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành các cấp của tỉnh với 22 điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và 56 điểm cầu cấp xã. Trung tâm dữ liệu tỉnh được quan tâm đầu tư nâng cấp các trang thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin. Cụ thể, 80% dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình, 40% thông tin người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến, tỷ trọng kinh tế số đạt 10% GDP, 60% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, 80% hộ gia đình có địa chỉ số, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%, từng bước hình thành Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ghi nhận Sở đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành trong năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đồng thời yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành các giải pháp để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phục vụ việc phát triển ngành Thông tin và Truyền thông; triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, từng bước hoàn thiện xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, phấn đấu giữ vững thứ hạng về chuyển đổi số trong top 20 của cả nước.

Cùng với đó, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động lĩnh vực thông tin - báo chí - xuất bản; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại của Chính phủ và chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Quan tâm chỉ đạo chuyển đổi số trong ngành bưu chính, chuyển phát; tăng cường tuyên truyền đến người dân về tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính. Hoàn thiện mạng lưới hạ tầng viễn thông từ tỉnh đến xã, hệ thống trạm thu phát sóng di động đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, an toàn phục vụ cơ quan, tổ chức, người dân.

ngành Thông tin và Truyền thông Kiên Giang cũng cần nhanh chóng triển khai các biện pháp xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; hoàn thiện các tính năng các nền tảng số dùng chung, theo hướng đơn giản, dễ sử dụng, ký số, liên thông các nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng kinh tế số, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân từng bước đưa hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, phấn đấu xây dựng 100 “cửa hàng số”; tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn đăng ký nguồn gốc sản phẩm hàng hoá, thanh toán trực tuyến. Hàng năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.

Đọc thêm