Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế phối hợp phổ biến rộng rãi Luật Quản lý thuế

(PLVN) - Sáng 10/10, tại Sở Tư Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, Cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức buổi giới thiệu Luật Quản lý Thuế và Luật Giáo dục theo kế hoạch số1262/STP-PBGDPL ngày 14/08/2019 của Sở Tư Pháp. 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị này, Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế đã báo cáo những điểm mới của Luật Quảng lý thuế số 38/2019/QH14.

Theo đó, Luật Quản lý thuế mới được thông qua ngày 13/06/2019 và có hiệu lực vào ngày 01/07/2020 và được kết cấu lại với 17 chương, 152 điều, trong đó bổ sung them 3 chương mới (Chương II, Chương X và Chương XII). 

Bà Âu Thị Nguyệt Liên báo cáo, phổ biến Luật Quản lý Thuế tại hội nghị.
Bà Âu Thị Nguyệt Liên báo cáo, phổ biến Luật Quản lý Thuế tại hội nghị.

Những nội dung mới của Luật Quản lý thuế lần này liên quan đến 17 nhóm vấn đề sau: 1. Phạm vi điều chỉnh; 2. Nội dung quản lý thuế; 3. Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; 4. Quyền của người nộp thuế; 5. Hợp tác quốc tế về thuế; 6. Kế toán, thống kê về thuế; 7. Đăng ký thuế, Khai thuế, Tính thuế, Nộp thuế, Hoàn thuế; 8. Miễn giảm thuế; 9. Không thu thuế; 9. Khoanh tiền thuế nợ; Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp; 10. Hoá đơn, chứng từ điện tử; 11. Tổ chức, kinh doanh dịch vụ đại lý thuế; 12. Kiểm tra, Thanh tra thuế; 13.Cưỡng chế nợ thuế, Các biện pháp cưỡng chế; 14. Xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; 15. Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; 16. Quản lý thuế đối vớihoạt động thương mại điện tử và 17. Hiệu lực thi hành và Điều khoản chuyển tiếp.

Nội dung chủ yếu của Luật Quản lý Thuế sửa đổi lần này đã đảm bảo bao quát việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc Ngân sách nhà nước; sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý thuế.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế bổ sung, sửa đổi lần này đã đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục quản lý thuế hướng đến hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu thuế và nợ đọng thuế được quy định thống nhất trong tất cả các khâu của quản lý thuế, từ khâu khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế đến quản lý nợ thuế, thanh tra, kiểm tra thuế. 

Cụ thể, cưỡng chế thuế được áp dụng linh hoạt theo phương thức nếu chưa hết thời gian cưỡng chế mà cơ quan thuế nhận thấy không hiệu quả có thể chuyển đổi áp dụng biện pháp trước đó, hay biện pháp cưỡng chế trước đây. Loại hình tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, điều này là phù hợp khi chế độ kế toán của loại hình doanh nghiệp này đơn giản, dễ thực hiện theo Thông tư 132/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính. Người nộp thuế được quyền bổ sung khi cơ quan thuế đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra là điểm mới tạo thuận lợi cho người nộp .

Luật Quản lý thuế cũng đã quy định các giải pháp nhằm nângcao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở thuế và hoàn thuện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá.

Ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.
 Ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, các sửa đổi, bổ sung lần này của Luật Quản lý thuế cũng đã đề ra các quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác quản lý thuế như việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, quản lý thuế điện tử, đặc biệt là tạo cơ sở để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số…

Việc sửa đổi bổ sung lần này của Luật Quản lý thuế đã đáp ứng các yêu cầu bức thiết và nổi cộm của xã hội cần được điều chỉnh và luật hóa vào Luật Quản lý thuế lần này. Trong thời gian tới, Chính Phủ và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết các vấn đề sửa đổi bổ sung của Luật Quản lý thuế.

Đọc thêm