Theo đó, mức lương trung bình của người lao động chính thức ở Việt Nam là 5.715.000 đồng/tháng đối với nam giới và 5.225.000/tháng đồng đối với nữ giới. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ mỗi năm có 1 tháng làm việc không công (không được trả lương) khi so sánh với nam giới. Sự chênh lệch về số tiền hàng tháng này nếu tính trong một năm sẽ là 5.888.000 đồng và nếu được giải quyết sẽ mang lại nhiều lợi ích về thuế và tiêu dùng cho Việt Nam.
Cũng theo nhận định của nhóm điều phối, ở khu vực kinh tế phi chính thức sự chênh lệch mức lương giữa lao động nam và lao động nữ còn rõ rệt hơn với con số mức lương của nữ ước tính chỉ bằng 50% nam giới. Trong bức tranh chung thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ chỉ là 71,7% trong khi đó tỷ lệ này ở nam giới là 81,7%. Khoảng cách về lao động giữ hai giới đã luôn ở con số 10% trong 5 năm vừa qua. Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn làm hao hụt 1,3% GDP gây ra gánh nặng tài chính cho hệ thống hưu trí...
Bộ luật Lao động là bộ luật đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định 34 yêu cầu mỗi luật mới phải trải qua quá trình đánh giá tác động chính sách nghiêm ngặt bao gồm các tác động về kinh tế, giới, xã hội, pháp lý, hành chính. Vì thế, với tư cách là đơn vị chủ trì xây dựng Bộ luật Lao động, việc thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc đã được Bộ LĐTBXH xác định là một trong những vấn đề chính sách ưu tiên cho việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ được tiến hành trong thời gian tới.
Theo đó có 5 ưu tiên hướng đến bình đẳng giới cho việc sửa đổi Bộ luật Lao động bao gồm: sự hài hòa giữa tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới; dừng lại việc nhìn nhận phụ nữ là những người có sức khỏe thể chất yếu hơn nam giới; tăng cường các quy định về quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới ở nơi làm việc; duy trì các quy định về nghỉ thai sản, thời kỳ chăm sóc/cho con bú và công nhận nghỉ thai sản; đưa vào các định nghĩa hoàn chỉnh hơn.
Riêng về vấn đề dừng lại việc nhìn nhận phụ nữ là những người có sức khỏe thể chất yếu hơn nam giới, Nhóm điều phối chính sách giới cho rằng đây là một trong những căn nguyên khiến cho xuất hiện sự bất bình đẳng giới trong pháp luật về lao động.
Hiện nay, phụ nữ bị từ chối tiếp cận 77 nghề, trong đó 38 nghề bị cấm trên cơ sở giới tính, 39 nghề còn lại cấm đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Theo Nhóm điều phối chính sách giới lệnh cấm này cần được xóa bỏ và bảo đảm có các biện pháp bảo vệ dựa trên nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Song song với đó, tuổi nghỉ hưu hiện tại là 55 với nữ và 60 với nam chính là sự phân biệt đối xử với phụ nữ trên cơ sở giới tính. Sự thiếu công bằng này sẽ hạn chế các lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của phụ nữ, cũng như sớm hạn chế sự phát triển nghề nghiệp và các cơ hội đào tạo của họ, dẫn đến kết quả thu nhập và lương hưu của phụ nữ giảm, mặc dù tuổi thọ của phụ nữ dài hơn nam giới 7 năm...
Từ những thực tế này đã đến lúc “cần nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận xây dựng các quy định từ cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” đối với các lao động nam và lao động nữ” – đó là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bà Lê Thị Nguyệt tại hội thảo tham vấn “Đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi” do Bộ LĐTBXH phối hợp UN Women và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức sáng 26/4.
Theo bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, việc Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động là cơ hội để giải quyết các khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) bao gồm việc áp dụng cùng tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho phụ nữ và nam giới, xem xét và giảm danh sách các nghề cấm phụ nữ tham gia. Bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm không chỉ là vấn đề về quyền bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bình đẳng giới góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy nền kinh tế và phát triển bền vững.