Sốc nhiễm khuẩn do ứ mủ thận vì tự dùng thuốc nam điều trị sỏi thận

(PLVN) - Bệnh nhân bị bệnh sỏi thận, niệu quản trái nhiều năm nay nhưng tự điều trị bằng thuốc nam. Cách vào viện 3 ngày bệnh nhân xuất hiện đau dữ dội vùng mạn sườn thắt lưng trái kèm sốt cao 39 – 40 độ C, rét run, mạch nhanh 120 lần/phút, huyết áp tụt 90/60 mmHg, thiểu niệu, nước tiểu rất đục kèm mủ đặc chảy qua sonde tiểu.
Sỏi niệu quản của bệnh nhân T.T.T.D. Ảnh: Hồng Anh
Sỏi niệu quản của bệnh nhân T.T.T.D. Ảnh: Hồng Anh

Ngày 24/2, BSCKII Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Ngoại Tổng Hợp, BV ĐK Nông Nghiệp cho biết đơn vị vừa tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do ứ mủ thận vì tự dùng thuốc nam điều trị bệnh sỏi thận.

Bệnh nhân T.T.T.D. 80 tuổi (ở Thị Trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội), ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cấp cứu kết quả: Đài bể thận trái giãn độ IV, sỏi kích thước lớn đúc khuôn toàn bộ các nhóm đài, phát triển tới vị trí nối bể thận niệu quản, kích thước ~ 58x38mm.

Niệu quản phải giãn, thành dày, đoạn 1/3 trên có nhiều sỏi lấp đầy lòng niệu quản, viên lớn nhất kích thước ~ 36x16mm, Niệu quản 1/3 dưới đoạn sát thành bàng quang có nhiều sỏi, viên lớn nhất kích thước ~ 26x07mm. Thâm nhiễm kèm dịch toàn bộ khoang quanh thận và niệu quản đoạn 1/3 trên.

"Bệnh nhân tiên lượng nặng, có nhiều diễn biến phức tạp, có thể sốc nhiễm khuẩn và tử vong bất kì lúc nào. Do tình trạng bệnh nhân vô cùng nặng và có sỏi nằm nhiều vị trí, để đảm bảo an toàn và hồi sức tích cực cho bệnh nhân phẫu thuật được thực hiện 2 thì", bác sĩ Tùng chia sẻ.

Thì một, bác sĩ tiến hành nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng, đặt sonde JJ niệu quản để xử lý sỏi tại vị trí 1/3 dưới. Viên sỏi có kích thước gần 3cm được tán thuận lợi. Sau đó các bác sĩ nhanh chóng chuyển sang thì 2, phẫu thuật mở niệu quản lấy sỏi niệu quản trái 1/3 trên. Phẫu thuật diễn ra thuận lợi, do 1 phần lớn mủ đã được giải phóng ở thì 1 trước đó.

Sau 4 giờ đồng hồ chiến đấu giành giật với tử thần các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để điều theo dõi tiếp.

Một giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, huyết động dần ổn định.

Hai ngày sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, huyết động bệnh nhân hoàn toàn ổn định, các chỉ số sinh hóa cải thiện rõ rệt. Hiện tại bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, sức khỏe ổn định và được ra viện.

Theo BS Tùng: “Đây là một ca bệnh vô cùng nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử trí cấp cứu nhanh và hiệu quả. Bệnh nhân và gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, tái khám sức khỏe định kì 3-6 tháng một lần để phát hiện bệnh sớm, tránh các biến chứng nặng nề nguy hiểm đến tính mạng”.