Tại Lễ hội, có các hoạt động như lễ cúng trăng, trưng bày đèn nước và ghe. Du khách sẽ được trải nghiệm mua sắm hàng hóa, sản phẩm OCOP của Sóc Trăng và các tỉnh, thành; thưởng thức các món ăn trong Liên hoan Ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng”; xem bức tranh được làm từ gạo ST25, niềm tự hào của nông nghiệp Sóc Trăng.
“Lễ hội là hoạt động tiếp tục bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc để cùng phát triển. Những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội lần này kỳ vọng tạo những tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách gần xa để hiểu, yêu hơn đất và con người Sóc Trăng. Đồng thời, là cơ hội để các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước tới Sóc Trăng tìm kiếm cơ hội đầu tư, cùng hợp tác và phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc bày tỏ.
Trong Lễ hội còn diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa Khmer ca ngợi quê hương, con người Sóc Trăng; Liên hoan Tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ; triển lãm ảnh nghệ thuật; hoạt động giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa…
Sôi nổi, hào hứng, được chờ đợi nhất là Giải Đua ghe Ngo, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Kỷ lục là môn thể thao “có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ 2005 đến nay”.
Giải diễn ra vào 2 ngày 26 - 27/11 tại khán đài đường đua ghe Ngo, quy tụ 46 đội trong và ngoài tỉnh tham dự, trong đó có 6 đội nữ. Sóc Trăng có 35 đội ghe nam và 3 đội ghe nữ; Bạc Liêu có 3 đội nam, 3 đội nữ; Cần Thơ có 1 đội nam; Cà Mau có 1 đội nam…