Cây bàng “không ai dám đốn”
Trò chuyện với chúng tôi bên gốc cây bàng khổng lồ, ông Mai Kiên (dân tộc Khmer, 67 tuổi), một người có thâm niên với nghề gỗ trên 40 năm hiện ngụ tại đường Tôn Đức Thắng, phường 5 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm 2014, có dịp đi ngang qua Đình Thần ở ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), thấy có hai cây bàng rất lớn, trong đó có một cây đã chết khô, nhiều cành đã bị mục nên ghé lại xem.
Hỏi thăm người phụ trách Đình Thần thì được biết hai cây bàng này có từ mấy trăm năm trước nhưng một cây bị chết (có thể do ảnh hưởng từ việc thi công một công trình ở bên cạnh) nên chính quyền địa phương đề nghị Ban quản lý Đình cho đốn bỏ tránh nguy hiểm cho người dân. Do cây quá lớn nên Ban quản lý đình thuê người đốn nhưng khi tới nhìn thân cây quá lớn nên không ai dám làm.
|
Gốc bàng được vận chuyển về TP Sóc Trăng hồi năm 2014 |
Mãi sau này mới có một nhóm người ở nơi khác tới nhận lời đốn cây. Nhưng sau khi mới đốn được một số nhánh cây thì họ không đốn nữa, bỏ luôn tiền công cho phần đã đốn mà không nói lý do vì sao. “Sau này tôi nghe người ta kể lại nhóm người đốn cây bàng đó đang nằm ngủ thì không biết mơ thấy cái gì mà sáng ra là họ bỏ đi luôn. Thành ra từ đó không ai nhận đốn cây nữa”, lời ông Kiên.
Cứ thế, cây khô dần, nhiều phần bị mục. Nhìn thân cây bàng đang bị khô đi, ông thấy có nhiều cái rất đẹp, rất hấp dẫn nên thử hỏi người phụ trách đình giá bán bao nhiêu thì họ cho biết bán 50 triệu đồng. Suy nghĩ một lát, ông trả 30 triệu nhưng họ không bán nên ông về. Suốt đêm ông trằn trọc không ngủ được cũng vì gốc cây bàng đó. “Có một cái gì đó rất khó hiểu cứ mê hoặc mình, khiến cho tôi thấy cây bàng như đang ở bên cạnh. Sáng hôm sau, người quản lý đình tìm đến tôi và nói thêm cho đình 5 triệu nữa là 35 triệu. Đắn đo một lát, tôi đồng ý mua với giá 35 triệu đồng”, ông Kiên kể.
|
Có hốc cây lớn đến mức người đứng mà không chạm đầu |
“Sau khi thỏa thuận xong, tôi thuê người, chọn thời gian phù hợp cho người và phương tiện vào đào đưa gốc cây về. Khi vào, trước lúc đào, tôi cũng có “tâm sự” với “cụ” bàng rằng “cụ” đã chết, nay chỉ còn thân xác thôi, nếu để giữa mưa nắng thì hư hết, xin “cụ” cho tôi được đưa thân “cụ” về nhà mình bảo quản, chăm sóc chu đáo, lâu dài. Mong “cụ” phù hộ cho mọi điều suôn sẻ. Sau khi ‘tâm sự” xong, tôi cho người và phương tiện tiến hành đào và đưa “cụ” về đến nhà an toàn, không xẩy ra bất kỳ một sự cố nào, dù là nhỏ nhất”, vẫn lời ông Kiên.
Ông Trần Văn Thành (người dân xã Trường Khánh, huyện Long Phú) nhớ lại: “Trưa ngày 15/4/2014, người dân địa phương chúng tôi và nhiều người đi trên tuyến đường quốc lộ 60 đoạn bắt đầu vào địa bàn phường 5 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến một chiếc xe vận tải hạng nặng chở một gốc cây bàng cổ thụ với hình dáng xù xì, gân guốc đầy ấn tượng nên ai cũng ùa ra xem. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một gốc bàng to như vậy. Sau này mới biết đó là gốc cây bàng đá ở xã Song Phụng bị chết được ông Kiên mua về chế tác”.
|
Nhiều bức tượng được tạo ra từ thân cây |
“Duyên kỳ ngộ”
Theo ông Mai Kiên, các nhà khoa học về thực vật qua xem xét đã đánh giá tuổi của “cụ” bàng đá này khoảng từ 700 năm trở lên.
Ông Kiên cho biết thêm: Gốc cây bàng này rất lớn, đường kính ở phần gốc sát đất khoảng 14m, còn tính luôn bộ rễ thì khoảng 25m. Để đưa gốc bàng lên, ông và các công nhân phải đào sâu xuống đất và cắt gốc bàng thành hai nửa rồi sau đó thuê xe cần cẩu hạng nặng cẩu lên xe chuyển về Sóc Trăng. Theo ước đoán, trọng lượng của gốc bàng này phải lên tới cả trăm tấn và chi phí đưa về tận nơi hết khoảng 700 triệu đồng.
Sau khi đưa được “cụ” bàng này về, ông Kiên cho người gia công để tạo thành một gốc cây với nhiều hình thù rất đẹp, rất lạ mắt khiến nhiều người rất thích thú, luôn tìm đến để xem. Để bảo quản gốc bàng, ông thuê làm một căn nhà rộng hàng trăm mét vuông với kinh phí được cho là khoảng 1 tỉ đổng để làm nơi trú ngụ của “cụ” bàng.
Chúng kiến gốc cây bàng cổ thụ qua bàn tay chế tác của nghệ nhân theo hướng dẫn của ông Kiên, ai cũng thừa nhận đây là một bộ rễ thuộc vào hàng “kỳ mộc”, càng nhìn càng choáng ngợp trước vẻ đẹp độc đáo, lạ mắt, nhất là bộ rễ u nần, nhiều hang bọng, âm dương hài hòa với nhiều dáng hình kỳ quái, chỗ như là đầu rắn, chỗ như là rồng cuộn, chỗ như cọp nằm phủ phục, chỗ như cá sấu nằm phơi nắng, chỗ giống như ba ba nằm nghỉ…
|
Một tác phẩm tượng Phật được tạo ra từ một phần nhỏ gốc cây |
Ông Mai Kiên giới thiệu: “Tôi sẽ thực hiện một tác phẩm cây khô mỹ thuật mang ý nghĩa nhân văn và văn hóa tâm linh, chủ yếu là các hình tượng về tôn giáo, tín ngưỡng. Ngay trên đỉnh của gốc bàng là một tượng Phật Thích Ca cao 3 mét đứng trên đài hoa sen, tượng đã làm gần xong cũng từ một phần của gốc bàng này. Ngoài ra, dựa vào các vân cây, nu bông có sẵn, tôi và những người thợ khai thác những nét đẹp trừu tượng để khắc họa thành hình người, hình chim thú để sau khi hoàn thành sẽ giới thiệu cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”.
Theo ông Mai Kiên, ước muốn của ông là giữ nguyên dáng vẻ mộc mạc của bộ rễ tự nhiên. Ông chỉ dựa theo hình dạng của cây và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, hoa văn kỳ thú để chế tác, tuyệt đối không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ, trừ Hoa sen và tượng Phật mới sử dụng đến nghệ thuật điêu khắc.
Ông Kiên cho rằng từ khi mang cây về đến nay vừa tròn 3 năm, ông đã đầu tư nhiều tỉ đồng cho việc thực hiện công trình nghệ thuật trên gốc bàng này. Dự kiến công trình nghệ thuật độc đáo này sẽ hoàn thành vào năm 2018 và kinh phí sẽ không dưới 5 tỉ đồng.
Theo ông Mai Kiên, sau khi đưa gốc bàng về, có người đến xem và hỏi mua với giá nhiều tỉ đồng nhưng ông không bán mà chỉ để lưu lại làm kỷ niệm về một gốc cây có một không hai ở địa phương: “Nếu mua để kinh doanh thì tôi đã bán từ khi mới đưa về đến nhà. Nhưng tôi mua gốc bàng này không phải vì lợi nhuận. Tôi mua được gốc cây này có lẽ cơ duyên trời cho nên không muốn rời xa nó. Tôi chỉ muốn đem hết tình cảm của mình hóa thân nó thành một tác phẩm có hồn để cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng. Hiện nay tôi đang hoàn thiện dần các chi tiết, dự kiến năm 2018 sẽ hoàn thành và mở cửa cho mọi người tham quan”.