Thị trường Tết Hải Phòng khởi động khá sớm nhưng cũng phải chờ tới ngày 22 tháng Chạp, khi nhu cầu sắm sửa cúng ông Táo tăng cao, mới chính thức sôi động, nhộn nhịp. Trên các đường phố, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ phố và cả các chợ quê, hàng Tết ùn ùn kéo về, từ lương thực, thực phẩm tới rau, hoa, quả và tất cả thứ cần thiết cho Tết. Dải trung tâm thành phố tấp nập hơn bởi chợ hoa xuân chính thức nhóm họp. Đào hoa, quất cảnh từ các nơi đưa về tô thắm sắc xuân thành phố Cảng…
|
Chọn mua quất Tết trên đường Lê Hồng Phong Ảnh: Trường Giang |
Siêu thị hút khách
Thói quen mua bán hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại thấm khá sâu vào người dân Hải Phòng. Bởi vậy, Tết này, siêu thị đông hơn hẳn các khu vực mua bán bên ngoài. Tại siêu thị Intimex, Giám đốc Phạm Thị Hồng cho biết, một ngày phải xếp hàng lên kệ mấy lần vì cứ bày ra bao nhiêu, khách nhặt hết bấy nhiêu. Chị Phạm Thị Lan ở phố Mê Linh cho biết, mua hàng ở siêu thị dễ hơn bên ngoài. Thứ nhất, hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả được niêm yết cụ thể, một loại hàng nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau nên người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn. Thứ hai, do các siêu thị lớn lo chuẩn bị nguồn hàng từ lâu, lại được thành phố trợ giúp một phần lãi suất để dự trữ hàng hóa nên tới thời điểm này, khi hàng bên ngoài mỗi ngày một giá, ở Trung tâm thương mại Minh Khai, Intimex…, giá cả vẫn cơ bản ổn định. Tại Big C, Metro…, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết có từ sớm nên tuy có nhiều lúc trở nên quá tải nhưng các siêu thị vẫn đáp ứng đủ. Theo Giám đốc Big C Nguyễn Phương Thảo, ngoài hệ thống kho sẵn có, siêu thị huy động thêm một lượng lớn côngtennơ chứa hàng, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng. Từ 2 tuần nay, khách hàng tăng gấp 3- 4 lần ngày thường, nhưng siêu thị vẫn đáp ứng tốt, kể cả lượng hàng hóa và hỗ trợ tại khu thanh toán, chuyển hàng tới tận nhà cho khách khi có nhu cầu. Nhìn chung, chỉ cần đi một vòng siêu thị, các bà nội trợ đã có thể sắm sửa đầy đủ các thứ cần thiết cho Tết. Đặc biệt, nhiều người thích mua đồ uống trong siêu thị, nhất là rượu mạnh, rượu vang các loại, vì được bảo đảm chất lượng, không sợ mua phải hàng giả. Giá các loại rượu năm nay đều khá cao, tăng khoảng 30- 50% so với năm trước.
Các cửa hàng bán đồ nội thất, điện tử, điện lạnh càng tới sát Tết càng hút hàng. Tại Trung tâm thương mại Samnec, 20- 21 giờ tối, các nhân viên vẫn phải chở đồ đi lắp đặt cho khách. Các loại ti- vi, dàn âm thanh được mua nhiều hơn, nhất là ti vi LED, LCD, Plasma màn hình lớn của các hãng Sony, LG, Panasonic, Samsung…, cho dù giá lên tới vài chục triệu đồng/ chiếc. Lò nướng, nồi cơm điện, máy xay các loại, đồ dùng gia đình nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sức tiêu thụ khá cao. Thêm những đợt gió mùa đông bắc liên tục tràn về nên máy sưởi được nhiều người tìm mua. Bình dân nhất là hàng Trung Quốc, giá 600.000 đồng/ chiếc. Hàng của Nhật dùng điện 110 KV phải kèm theo ổn áp giá 1,1 triệu đồng, hàng của Ba Lan nhỏ gọn hơn, có thể để ở trong giường, giá 850.000- 950.000 đồng/ chiếc, hàng Điện Quang giá 850.000- 950.000 đồng/ chiếc tùy theo bóng halogen hay là may xo… Giường, tủ, bàn ghế, xô pha của nội thất Đài Loan, FF… có sức mua cao gấp nhiều lần ngày thường…
Đào, hoa, quất cảnh đều đắt
Thời tiết rét đậm kéo dài khiến người trồng hoa lo lắng, vì Tết đến nơi mà đào vẫn chưa nở. Suốt dọc dải trung tâm thành phố và nhiều chợ hoa khác, đào đá, đào phai, đào cây được đưa về từ các nơi ít hơn hẳn mọi năm lại còn quá đắt và mới chỉ chúm chím nụ. Rất khó có thể nhận biết mấy ngày tới, đào có nở được không, nên người mua còn dè dặt. Cũng có những người ham chơi đào bỏ ra 3- 4 triệu đồng mua một cành đào đá, nhưng cũng vừa mua, vừa run. Một số cành hoặc cây giá thấp hơn, chừng 1- 2 triệu đồng, nhưng dáng và thế không thật đẹp. Nhiều người đành chọn cành nhỏ, đã nở hé, nhưng giá cũng 600.000- 800.000 đồng/ cành.
Quất cảnh được bày bán khá nhiều trong thành phố. Người khó tính, sành chơi thì tìm vào tận vườn để mua, giá đắt hơn, nhưng chọn được cây ưng ý và không sợ bị héo, úa do đứt rễ. Giá một cây quất trung bình hàng triệu đồng, cây đẹp lên tới vài triệu đồng.
Hoa ly, hoa hồng, hoa lay ơn và nhiều loại hoa khác những Tết trước liên tục được đưa về thành phố, năm nay thưa thớt hơn, giá đắt gấp đôi. Nhiều chủ hàng hoa cho biết, nếu không muốn mua phải hoa lạnh, giá cao hơn nhiều lần. Một lọ hoa hoặc một lẵng hoa đẹp năm trước chỉ khoảng 300.000- 500.000 đồng, năm nay 1,1- 1,2 triệu đồng mới tạm ưng ý. Cũng có nhiều loại hoa rẻ hơn, nhưng nhìn chung, gu của người tiêu dùng đã định sẵn, cứ tới Tết là muốn trong nhà có hoa ly, hoa lan, thậm chí hoa tuy lip… Trong số đó, không ít người chỉ thích hoa Đà Lạt hoặc hoa nhập khẩu nên sẵn sàng trả giá cao…
Tết đang về, hàng hóa Tết khá đa dạng và phong phú, thỏa mãn sức mua với đủ các mức thu nhập khác nhau. Tới thời điểm này có thể khẳng định, hàng không thiếu vì lượng dự trữ của các doanh nghiệp được thành phố chỉ định và cả các hộ kinh doanh khá nhiều. Nhưng giá cả thì đang ở tình trạng khó kiểm soát khi ngoài siêu thị, trung tâm thương mại, rất ít nơi được niêm yết giá. Còn chất lượng cũng đáng để tâm, bởi hàng giả, hàng kém phẩm chất vẫn len lỏi khắp nơi. Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng chú ý lựa chọn đã đành nhưng các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát để giúp người dân có được một cái Tết vui tươi, an toàn và lành mạnh.
Thanh Hiệp