Thú vị trào lưu làm đồ da
Đa phần các bạn trẻ theo đuổi nghề làm đồ da thủ công vì yêu thích, nhưng cũng có những bạn đã biến đam mê của mình thành nghề nghiệp. Thậm chí, việc kinh doanh của họ đem lại thu nhập đáng kể cho bản thân.
Đơn cử như chị Thủy (32 tuổi, TP.HCM), một trưởng phòng sản phẩm cho một công ty nội thất, đã nổi tiếng với câu chuyện bỏ việc nghìn đô để theo đuổi đồ da. Làm trưởng phòng marketing trong công ty này 2 năm và 3 năm sau tiếp tục làm trưởng phòng sản phẩm, công việc đòi hỏi chị Thủy phải dành nhiều thời gian xuống xưởng để quay phim, chụp ảnh cận cảnh quá trình làm đồ gỗ và da, cung cấp tư liệu cho khách hàng. Thế nhưng, trước khi khiến khách hàng yêu thích sản phẩm của công ty mình, chính chị đã bị công việc thủ công đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác và óc sáng tạo cao này chinh phục. Về nhà, chị tập tành làm thử và nghiện chơi da luôn từ đó.
Hay như Tuấn, cử nhân trường đại học Mỏ - Địa chất cũng là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp cậu nộp đơn xin việc ở nhiều nơi nhưng nhiều tháng liền vẫn chưa có kết quả. Không quá chán nản với tình trạng thất nghiệp, cậu quyết định nhận làm đồ da để trang trải sinh hoạt cho bản thân. Từ khi còn là sinh viên, Tuấn đã tự mày mò, khám phá trên mạng cách làm túi da thủ công. Càng theo đuổi, bạn bè càng “đặt hàng”, nhờ cậu làm hộ nhiều. Đến khi ra trường, Tuấn không ngờ đây lại có thể trở thành nghề tay trái của mình.
Hiện nay có rất nhiều hội nhóm trên facebook được lập ra nhằm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm da thủ công và “khoe” sản phẩm của mỗi thành viên. Một kéo mười, mười kéo trăm, có những nhóm còn sở hữu hơn 30.000 thành viên cùng hàng trăm lượt bình luận ở mỗi bài viết.
Một sản phẩm đồ da được làm bằng tay |
Xu hướng chuộng đồ da thủ công xuất phát từ tính chất bền, đẹp của chất liệu da. Da thuộc từ trước đến nay vẫn luôn được coi là loại vật liệu chế tạo các loại túi ví, dây lưng cao cấp và sang trọng nhất. Da thật có đặc tính mềm, dẻo dai và đặc biệt rất bền. Một chiếc túi, ví da cao cấp luôn có giá thành từ 1 triệu trở lên, thậm chí có những chiếc trị giá hơn chục triệu. Chính vì vậy có nhiều người chấp nhận tìm tòi cách học làm da để tự may cho mình một sản phẩm ưng ý, lại không tốn quá nhiều tiền. Từ đó, có những người còn tự làm ra những phụ kiện độc đáo như bìa sổ, móc chìa khóa, bao điện thoại, bao máy tính…
Khi càng được nhiều người ưa chuộng thì thị trường này lại càng sôi động. Không khó để tìm kiếm những cửa hàng làm đồ da thủ công ở trên mạng hoặc trên các con phố lớn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Phổ biến nhất vẫn là những cửa hàng bán túi da, nhận đặt làm đồ da handmade nhưng hiện nay nhiều cửa hàng phụ kiện với giá thành rẻ cũng xuất hiện...
Sân chơi nghệ thuật của giới trẻ
Lí giải vì sao đồ da thủ công đang được ưa chuộng như vậy, Dũng (26 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Có thể không đẹp lộng lẫy và hoàn hảo như sản phẩm làm bằng máy công nghiệp, nhưng đồ làm tay vẫn rất được lòng khách hàng trẻ. Làm da thủ công không phải cứ khéo tay là đủ. Quan trọng phải có tư duy sáng tạo và hiểu biết mỹ thuật mới có thể tạo ra một sản phẩm đẹp. Bất cứ ai cũng đều có thể làm một phụ kiện da cơ bản khi được chỉ dẫn đầy đủ, nhưng một sản phẩm da thủ công nghệ thuật cần phải được thiết kế qui củ trên giấy, sau đó tính toán thật kỹ để cắt, đột chỉ.
“Công việc này cũng giống như việc thiết kế nội thất vậy. Nhiều nhân viên của mình cũng đều từ trường mỹ thuật ra cả, do mình coi đó là một lợi thế nhất định trong công việc. Thị trường da handmade có tính đặc thù riêng. Giá cả không phải điều quyết định để khách hàng đến với bạn mà là sự sáng tạo. Những sản phẩm nào được thiết kế càng đặc sắc, độc đáo thì sẽ càng thu hút được khách hàng. Cộng đồng chơi đồ da handmade rất đông, nhưng để kinh doanh loại hàng này không phải ai cũng làm được”, Dũng cho biết thêm.
Với sự sáng tạo không ngừng của các bạn trẻ, những chiếc túi, áo và phụ kiện da đã được đem lại một diện mạo mới. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, thời gian tới chắc chắn trào lưu này sẽ còn phát triển và thu hút nhiều bạn trẻ hơn nữa./.