Trong nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm, nhất là tình trạng người chưa thành niên (NCTN) phạm tội đã trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Đây cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phân tích, bày tỏ lo ngại tại phiên thảo luận Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong tuần vừa qua.
Trao đổi với PLVN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người trẻ trượt sâu vào con đường phạm tội là do một bộ phận người lớn đang là những “tấm gương mờ” cho giới trẻ.
Trẻ phạm tội do “tự lớn” thiếu định hướng
Ông thấy như thế nào trước thực trạng giới trẻ phạm pháp với hành vi tàn độc ngày càng gia tăng như những vụ thảm án thời gian qua?
- Tôi thực sự thấy bất an cho sự an toàn của xã hội và sự phát triển bình thường của những người trẻ tuổi. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giết người với thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; đặc biệt, ngày càng nhiều vụ thảm án mà tội phạm trẻ tuổi nhưng đã có hành vi man rợ, mang tính tàn sát vì những lý do, mâu thuẫn rất vụn vặt trong cuộc sống.
Nhiều hành vi được tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng cho thấy quyết tâm phạm tội của thủ phạm nhưng chỉ để thỏa mãn tâm lý tức tối, tự ái, thất tình... Đây là hiện tượng cần được các nhà tâm lý, chuyên gia xã hội học nghiên cứu, phân tích để cung cấp thêm thông tin cho việc hoạch định chính sách nói chung và chính sách hình sự nói riêng đối với NCTN.
Theo ông, do đâu mà người trẻ phạm tội ngày càng nhiều như vậy trong khi chúng ta luôn nói rằng giới trẻ thời nay “khôn” hơn thế hệ trước?
- Trước hết là do sự bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp cận với những thông tin trên
internet, phim, ảnh, sách truyện, game online… nhưng không được hướng dẫn, kiểm soát, quản lý phù hợp nên với “sức đề kháng kém”, giới trẻ đã tiêm nhiễm nhanh những cái xấu, độc và chuyển hóa thành hành vi thực tế như giết người tàn độc, gây bức xúc trong xã hội.
Nhưng đáng nói hơn là nguyên nhân về gia đình. Thực tế cho thấy, do “miếng cơm manh áo”, do sự thiếu trách nhiệm, xao nhãng của cha mẹ, do sự thay đổi trong quan niệm, nhận thức về vai trò “hàng rào bảo vệ” trẻ em của gia đình nên người trẻ ít được giáo dục về lễ nghĩa, thiện nhân, được tự do sống bằng bản năng và tự giáo dục bản thân, “tự lớn” trong thiếu sự định hướng để hình thành nhân cách.
Đến khi trẻ có hành vi phạm pháp, đi ngược đạo đức xã hội thì cha mẹ mới “ngã ngửa”. Lúc đó việc giáo dục để trẻ “đi đúng đường” sẽ rất gian nan. Không kể chính cha mẹ lại không là tấm gương cho con cái, mà nếu có thì thành những tấm gương “mờ” khiến trẻ bị lệch lạc về nhận thức và hành vi trong ứng xử xã hội.
Ngay bản thân thầy, cô, nhà trường, xã hội ít nhiều cũng có trách nhiệm trong vấn đề này khi “góp tay” xây dựng cho trẻ những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Trẻ sẽ không thể có hành vi đúng đắn khi có thầy, cô thiếu tính mô phạm, lờ đi những hành vi tiêu cực của học sinh, thậm chí là một bên trong những hoạt động tiêu cực ngay trong môi trường sư phạm như mua bán điểm, đề thi…
Cùng với đó, nhiều mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống đang được giải quyết bằng bạo lực thay vì “xin lỗi” cũng là ảnh hưởng quan trọng dẫn đến tình trạng tuổi trẻ gây tội ác, tàn độc, man rợ như thời gian qua.
Không thể nương nhẹ người chưa thành niên phạm tội
Chúng ta đã phân tích rất nhiều về thực trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho tình trạng NCTN phạm tội. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phải chăng do các cơ quan chức năng lơ là việc thực hiện các biện pháp đã đưa ra, thưa ông?
- Đúng vậy, đó cũng là một nguyên nhân cần lưu ý khi giải quyết tình trạng NCTN phạm tội. Bản thân các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa trẻ em phạm tội, đồng thời tuyên truyền, giáo dục để trẻ em không phạm tội, hướng đến những hoạt động lành mạnh và khi trẻ có hành vi phạm tội thì phải xử lý nghiêm, không thể căn cứ đây là NCTN phạm tội mà nương nhẹ.
Vậy theo ông, chính sách hình sự với NCTN của chúng ta hiện đã phù hợp chưa?
- Qua tiếp xúc cử tri và bản thân tôi đồng tình sửa đổi Bộ luật Hình sự cần có chính sách nghiêm khắc, bổ sung chế định để ngăn chặn hơn NCTN phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có hành vi man rợ, dã man như thời gian qua để thực hiện đồng bộ cùng nhiều giải pháp như tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tường lửa trên internet để ngăn chặn các thông tin, các game bạo lực… lan tràn.
Đối với chính sách hình sự với NCTN phạm tội, chúng ta nên quy định hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phù hợp với tình hình hiện nay?
- Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ, nhưng theo tôi có thể áp dụng cả hai. Hiện pháp luật định nghĩa trẻ em là những người dưới 18 tuổi (không phải là dưới 16 như trước) cho phù hợp với Công ước quốc tế. Tuy nhiên, khi xây dựng chính sách hình sự đối với NCTN thì cần đánh giá đầy đủ ngay về năng lực hành vi của người dưới 18 tuổi. Thực tế, trẻ em 15-16 tuổi trở lên đã có nhận thức khác, trở thành người lớn sớm hơn so với các thế hệ trước do tác động của xã hội. Vì vậy, bảo vệ quyền của trẻ em nhưng phải nghiêm khắc với trẻ em phạm tội vì nếu bảo vệ trẻ em mà trẻ em cứ phạm tội liên tiếp thì ai sẽ bảo vệ xã hội, ai sẽ bảo vệ các nạn nhân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga:
“Các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây, trong đó có thủ phạm trẻ, nhiều NCTN, nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt, bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.
Ngoài nguyên nhân trực tiếp của từng vụ còn có 5 nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ những thiếu sót trong quản lý xã hội ở tầm vĩ mô mà chúng ta không thể coi nhẹ về giáo dục nhân cách, về thông tin, truyền thông, tình trạng mất kiểm soát việc sử dụng rượu bia, lạm dụng rượu bia, một lượng đáng kể người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, người bị bệnh tâm thần, người loạn thần do dùng ma túy đá ở ngoài xã hội không được phát hiện, quản lý, chữa trị kịp thời, thiếu sót trong quản lý khiến các đối tượng tiếp cận quá dễ các công cụ phạm tội như vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ, mã tấu, súng, kiếm, dao…
Do đó, kiến nghị cần đưa vào nội dung Nghị quyết về thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các Trung tâm tội phạm học của ngành Công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp.
Khắc phục các nguyên nhân trên thuộc trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ LĐTB&XH... đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành sớm có giải pháp. TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Cơ quan Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em cần xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại”.