Có những trường hợp người bệnh phải vào viện cấp cứu vì những cơn đau bụng dữ dội mà nguyên nhân là do sỏi thận. Trong khi đó, phương pháp đề phòng dạng rối loạn của hệ tiết niệu thường gặp này lại rất đơn giản: Uống đủ nước.
Sỏi thận là gì? Khi thận thực hiện chức năng lọc chất thải từ máu, chúng tạo ra nước tiểu. Đôi khi, muối và các khoáng chất khác trong nước tiểu kết dính lại với nhau và hình thành nên sỏi thận nhỏ. Chúng có thể có kích thước như một hạt đường cho đến một quả bóng bàn, nhưng hiếm khi kết thành một khối. Chúng có thể gây đau dữ dội nếu bị vỡ rời và đẩy vào niệu quản, ống dẫn hẹp dẫn đến bàng quang.
|
Dấu hiệu cơ thể có sỏi thận? Khi sỏi thận di chuyển qua các đường tiết niệu, chúng có thể gây ra đau bụng dữ dội ở lưng, bụng hoặc háng; Luôn mót tiểu hoặc cảm thấy đau khi đi tiểu; Có máu trong nước tiểu; Buồn nôn và ói mửa. Tuy nhiên, nếu sỏi nhỏ thì nó không gây ra triệu chứng nào.
Sỏi thận hay cái gì khác? Nếu bạn bất ngờ bị đau bụng dữ dội ở lưng hoặc bụng, tốt nhất là đi kiểm tra y tế. Đau bụng liên quan đến nhiều yếu tố khác, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp như viêm ruột thừa hay mang thai ngoài tử cung. Bên cạnh đó, đau khi tiểu tiện là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh lan truyền qua đường tình dục.
Chẩn đoán sỏi thận ra sao? Thường thì ít khi chẩn đoán được sỏi thận trước khi người ta cảm thấy đau đớn. Những cơn đau này có khi nghiêm trọng đến nỗi người mang sỏi thận phải nhập viện cấp cứu. Xét nghiệm máu có thể giúp tìm hiểu mức độ khoáng chất có liên quan đến việc hình thành sỏi thận trong khi chụp X-quang, hay CT cho thấy có viên sỏi chặn ở niệu quản hay không.
Cách chăm sóc cho người bị sỏi thận? Nếu sỏi nhỏ, bác sỹ thường khuyên bệnh nhân dùng thuốc giảm đau và đợi cho đến khi tự sỏi bật ra khỏi cơ thể. Trong thời gian này, cần uống đủ nước và chất lỏng khoảng 2 lít mỗi ngày. Lưu ý là sỏi nhỏ có kích thước dưới 5mm thì 90% khả năng sẽ tự ra ngoài mà không cần can thiệp, nếu từ 5-10mm, cơ hội là 50%.
Các phương pháp điều trị sỏi thận? Thuốc được chỉ định theo đơn thường dùng gọi là nhóm ức chế alpha khiến cho các vành niệu quản thư giãn, mở rộng để sỏi thận đi qua dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể gây đau đầu hoặc chóng mặt. Cùng với điều trị, cũng có một số loại thuốc giúp ngăn ngừa sỏi mới hình thành. Ngoài thuốc, phương pháp phổ biến hơn là tán sỏi bằng sử dụng sóng xung kích năng lượng cao hay nội soi niệu quản (đưa một ống mỏng qua đường tiết niệu đến vị trí sỏi để phá vỡ nó rồi loại bỏ các mảnh vỡ trong ống).
Yếu tố nguy cơ dẫn đến sỏi thận? Có nhiều yếu tố có thể gây ra những thay đổi trong nước tiểu. Đầu tiên phải kể đến việc uống không đủ nước. Yếu tố nguy cơ khác bao gồm tăng cân hay một số thuốc nhất định.
Cũng có những nguy cơ không thể kiểm soát, ví như nam giới bắt đầu ở độ tuổi 40 hay phụ nữ tuổi 50 có khả năng bị sỏi thận cao hơn nhóm khác. Một số bệnh nhân bị huyết áp cao, bệnh gút, viêm đường tiết niệu nếu kiểm soát được các bệnh này thì cũng ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.
Cách phòng ngừa sỏi thận trong tương lai? Nếu bạn đã có sỏi thận, bác sĩ có thể đề nghị cắt giảm lượng muối và natri, nguyên nhân gây ra lượng canxi bị phân tán nhiều hơn vào nước tiểu. Từ đó, nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng oxalate cao như chocolate, cà phê hòa tan, trà, đậu, quả, rau lá xanh sẫm, cam, đậu phụ và khoai lang. Cách tốt nhất để phòng ngừa sỏi thận là uống đủ nước để giúp thận thực hiện chức năng của nó dễ dàng hơn.
Nguồn: Báo An ninh thủ đô