Sợi tóc - đời người

Phạm Đình Ân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có nhiều sáng tác được chọn vào số tuyển tập của thơ ca Việt Nam hiện đại. Một số bài thơ của ông được phổ nhạc, nhiều người yêu thích. Ông thường gắn sáng tác của mình với những chủ đề thường ngày của cuộc sống, ngay cả các bài thơ viết cho thiếu nhi.
Phạm Đình Ân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có nhiều sáng tác được chọn vào số tuyển tập của thơ ca Việt Nam hiện đại. Một số bài thơ của ông được phổ nhạc, nhiều người yêu thích. Ông thường gắn sáng tác của mình với những chủ đề thường ngày của cuộc sống, ngay cả các bài thơ viết cho thiếu nhi.

Phạm Đình Ân trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ bắt đầu xuất hiện những năm 1970 của thế kỷ trước. Đặc điểm đáng ghi nhận của thơ Phạm Đình Ân là ngắn gọn, tinh tế. Ngôn ngữ thơ hàm súc, cô đọng.   

Phạm Đình Ân có một bài thơ được nhiều người yêu thích. Bài thơ là một câu chuyện tình về một đời người, có lớp lang, tình tiết, nhân vật, sự kiện, cảm xúc, dù ngắn, chỉ 9 dòng, 49 âm tiết, song có độ vang lớn. Đó là bài Sợi tóc. Bài thơ như sau:

Em tặng tôi sợi tóc của em
Rồi ngày tháng vèo trôi, em không nhớ nữa
Năm mươi năm sau
Khi tìm được về chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc
Bà khóc
Sợi tóc vẫn còn đen.

Bài thơ chỉ vỏn vẹn có vậy. Sau khi ra đời, nó đã sống một cuộc đời khác. Có nhiều người yêu thích, chép vào sổ tay, đọc trong các buổi liên hoan, họp hành, sinh hoạt. Lại nhiều dị bản, do là, người yêu thơ thêm vào, cấu trúc lại dòng thơ, nhất là đi tìm tác giả bài thơ. Tạp chí Thế giới trong ta của Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam đã mở chuyên mục “Đi tìm tác giả bài thơ Sợi tóc”. Đây quả là hạnh phúc của người sáng tác.

Bài thơ có vẻ đẹp riêng, lấp lánh riêng. Câu chữ bình dị, không một chút cầu kỳ, nhưng có độ lắng, làm rung động trái tim người đọc. Nhiều năm tháng qua, bạn đọc ở các lứa tuổi đã tìm đến với bài thơ. Có người không chỉ đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật trong bài thơ, mà còn vận vào mình theo một kiểu riêng.    

Câu chuyện bắt đầu từ việc “Em tặng tôi sợi tóc của em”. Sợi tóc thanh xuân ấy, đen nhánh, thánh thiện. Nếu đường đời không có những phân ly, chia cắt, chắc là đôi trẻ sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Song, không vậy!

“Rồi ngày tháng vèo trôi, em không nhớ nữa”. Chữ “vèo” trong câu thơ làm ta nhớ đến Tản Đà: “Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế có ngần ấy thôi?” (Cảm thu, tiễn thu).  Em không nhớ nữa”. Đáng thương hay đáng trách? Nhưng, sao nỡ trách người con gái của tuổi đôi mươi, mười tám ấy! Ở đất nước chiến tranh, loạn lạc, “những cuộc chia ly không đếm hết tựa sao trời” (Chế Lan Viên), thì, với một người phụ nữ, đâu chỉ gánh trên vai chồng con, mà cả non sông, đất trời, lòng người sao giữ được? Hiểu vậy, mới thấy sự độ lượng cho nhau trong cuộc tìm về đầy tình thương mến và có cả nước mắt. Người phụ nữ trên mảnh đất khốn khó này gợi cho ta nhiều nghĩ suy lắm!

Khoảng cách của quá khứ và hiện tại là năm mươi năm. Khoảng cách đó không phải là ngắn so với một đời người. Nó đằng đẵng, hút sâu. Nó mài mòn bao ước mơ. Nó đổ bóng xuống nhiều số phận. Nó làm tóc đen thành tóc bạc, làm chàng trai, cô gái của ngày xưa thành ông, thành bà của hôm nay. Tác giả rất kiệm lời, không nói gì của năm mươi năm đó. Cũng không lý giải vì sao em không nhớ nữa. Nhưng, sau câu chữ đó, ta nhận ra những trĩu nặng của năm tháng. Bao lo toan, bao giằng xé của đời một người phụ nữ. Phải chăng vì thế mà nhà thơ chỉ kể chứ không bình luận!

Năm mươi năm, một khoảng trống ghê rợn, khắc nghiệt, có đủ cung bậc của niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, vinh hoa và mất mát. Giữa hai bờ vực của thời gian đó, bao biến đổi của hai cuộc đời trong bài thơ.

Người của ngày xưa, nay tìm được về chốn cũ. Một cuộc trở về nhuốm nhiều cảm xúc. Chốn cũ, người đã đổi thay, gặp lại “một bà già tóc bạc”, không nhận ra mình. Chốn cũ của năm mươi năm trước đây à? Người tặng ta sợi tóc của thuở hoa niên đây à? Hình như, trong lúc này, người trở về đầy xao xuyến, cố ghìm nén lại và khoảng lặng này như chực òa vỡ, như chực bùng dâng… Nhưng, lòng vẫn như xưa. 

Vật trao tặng vẫn là “sợi tóc”. Sợi tóc của hai lần trao tặng, của hai khoảng cách thời gian. Ngày trước, “em tặng tôi sợi tóc của em”. Bây giờ, năm mươi năm sau, “tôi tặng bà sợi tóc”. Chỉ khác một điều là, lần này:
Bà khóc. 

Chao ôi thời gian! Thời gian có thể là liều thuốc thần tiên, giúp con người quên đi những nỗi buồn, quên đi những hẹn ước, kể cả những thề bồi. Người phụ nữ trong bài thơ có vậy không? Không rõ! Song, đằng sau tiếng khóc của nhân vật thì đồng thời cũng là thời khắc dội lên bao nỗi niềm trong lòng người đọc. Câu thơ dồn nén, chỉ hai từ thôi, “bà khóc”, nhưng, như một năng lượng, bùng vỡ, tạo ra nhiều chiều của trường liên tưởng. Giọt nước mắt trong lành như rơi giữa trang thơ!

Sau năm mươi năm, sợi tóc cũ vẫn còn đen. Những sợi tóc bây giờ của hai mái đầu đã bạc. Phía sau sợi tóc là những thăng trầm của cuộc đời hai người. Sau sợi tóc là bao biến cố đời người.

Điều làm cho người đọc nhớ nhất, yêu quý nhất đối với bài thơ là sự trong trắng và sâu lắng của tình yêu. Nói một cách khác, Phạm Đình Ân đã vĩnh cửu hóa tình yêu, nêu lên sự bất diệt của tình yêu. Đây chính là nguyên nhân, là yếu tố làm nên sự yêu mến của người đọc đối với bài thơ này.

Ta quý yêu giọt nước mắt trong lành ấy biết bao!

Huỳnh Văn Hoa

Đọc thêm