Sợi xích Lê Kiều Như: Sự bế tắc được báo trước…

“Sợi xích” tạo đến một cảm giác bế tắc. Tác giả bế tắc trong hành trình tìm kiếm thành công của nghề ca hát, nên muốn làm tiểu thuyết gia. Nhân vật Hồng trong “Sợi xích” bế tắc về cuộc hôn nhân không...

“Sợi xích” tạo đến một cảm giác bế tắc. Tác giả bế tắc trong hành trình tìm kiếm thành công của nghề ca hát, nên muốn làm tiểu thuyết gia. Nhân vật Hồng trong “Sợi xích” bế tắc về cuộc hôn nhân không…tình dục và bế tắc vì tác giả không cho đời cô tìm được gì ngoài sự loằng ngoằng của những tình tiết vụn vặt, sự sắp đặt vội vã và vụng về

Có lẽ cuốn “Sợi xích” là một giọt nước làm tràn ly thôi. Bởi vì tác giả là cô ca sĩ với quá nhiều hình ảnh sexy và cô cố tình muốn được lăng xê, muốn được nổi tiếng bằng phong cách đó. Còn nếu tìm đọc dòng sách giải trí, cũng không thiếu những cuốn sách ngô ngọng như thế, những cách miêu tả về sex có thể không…hoành tráng bằng, nhưng chắc chắn cũng li kỳ không kém bao nhiêu. Và cũng lảm nhảm đầy lỗi về văn phạm, về ý tưởng và cấu trúc một tác phẩm văn học. Nhưng vẫn là tiểu thuyết cả! Hay chí ít, nó là tiểu thuyết theo cách mà các nhà làm sách nhào nặn và đặt tên. Một cuốn sách nhôm nhoam, được mua tới 100 triệu và dự tính sẽ tìm cách phát hành lên  tới 50 ngàn bản, rõ ràng là những người làm sách tìm kiếm một mớ tiền từ sự tò mò của độc giả trước những tấm hình khiêu gợi của tác giả hơn là quan tâm xem cuốn sách nói gì.

Mô tả ảnh.
Lê Kiều Như trong buổi ra mắt sách hôm 12/3

Suốt một tuần, và chắc chắn sẽ kéo dài hơn nữa, vì dư âm của cuốn sách (chưa được phát hành) vẫn còn. Vậy thì, tại sao những gì liên quan đến sex lại tạo nên sự tò mò? Mà ở đời, cái gì càng cấm thì thiên hạ càng muốn kiếm tìm. “Sợi xích” tạo đến một cảm giác bế tắc. Tác giả bế tắc trong hành trình tìm kiếm thành công của nghề ca hát, nên muốn làm tiểu thuyết gia. Nhân vật Hồng trong “Sợi xích” bế tắc về cuộc hôn nhân không…tình dục và bế tắc vì tác giả không cho đời cô tìm được gì ngoài sự loằng ngoằng của những tình tiết vụn vặt, sự sắp đặt vội vã và vụng về. Giới viết lách cảm giác bế tắc, vì dường như những gì nghiêm túc, những gì đau đớn vật vã để viết ra thường lọt thỏm trong trận đồ bát quái của thị trường sách mà rất hiếm khi được nhìn nhận đúng giá trị. Giới phê bình bế tắc vì những gì nóng sốt, màu mè thường bắt mắt, và sẽ rất mỏi mắt để biết đó là củi gộc hay tàn tro của lửa rơm. Còn độc giả bế tắc vì rất lâu rồi, họ không có cuốn sách nào làm nên sự  xôn xao trong lòng. Vậy thì thà đi tìm một cuốn nào đó, không cần cao cấp, chỉ cần lạ lùng, để làm cuộc nổi loạn nho nhỏ với chính mình. Hay thì chắc khó kiếm, nhưng nực cười chắc chắn nhiều, đọc xong là lên Facebook viết “note” chút chơi, một cách xả stress vậy.

Mô tả ảnh.
Bìa sách Sợi xích của Lê Kiều Như.

Một giám đốc công ty sách tư nhân tâm sự, mỗi tháng công ty anh nhận được vài chục bản thảo sách văn học, nhưng rất khó để kiếm một tác phẩm hay nhằm tạo sự kiện. Mỗi khi có một bản thảo tốt, công ty thường sẽ in đẹp và làm lễ ra mắt, giới thiệu với báo chí và bạn đọc. Nhưng vàng thì ít, mà rác thì nhiều. Có những người mang tâm lý cái gì viết ra cũng là văn chương, nên đem những thứ viết linh tinh trên blog ra đòi in. Sự xuất hiện của các mạng xã hội đem lại các trào lưu viết lách khác nhau. Nhưng nó cũng sẽ mang đến không ít phiền toái và ngộ nhận. Sự tự do biến thành sự cợt nhả. Người ta đùa cợt với văn chương. Không hiếm người viết rất ngô nghê nhưng lại tự nhận mình hài hước. Có người đi cóp nhặt của người khác mỗi người một chút, rồi về khẳng định mình tài năng. Và trên hết, ngôn ngữ đời sống và cảnh phòng the được miêu tả tường tận. Ít ai nghĩ, ranh giới giữa một “truyện người lớn” và một truyện ngắn trên mạng là quá mỏng manh. Nhiều người có lẽ tự nghĩ rằng, viết về sex rất đơn giản, cứ xem phim là biết, miêu tả chi tiết, nếu cảnh làm tình thì sẽ có những thứ đó, động tác đó, tiếng nói đó, cảm giác đó, nhào nặn vào. Và vì mình viết sau, mình phải tạo ấn tượng bằng những hành động dữ dội hơn. Và đôi khi các tác phẩm gây tò mò không phải chỉ vì sách hay, mà chỉ đơn giản là cuốn nào miêu tả về sex kỹ càng hơn.

Mô tả ảnh.
Một trong những tấm ảnh của Lê Kiều Như in trong Sợi xích và trang cuối của cuốn sách.

Thực ra dòng văn học giải trí ngày càng phát triển mạnh. Nhìn từ thực tế trong hội chợ sách TP. Hồ Chí Minh sẽ thấy, đây là một khu vực sách đầy người ưa chuộng. Bất cứ nhà sách nào cũng muốn kinh doanh những cuốn sách dễ thu hồi vốn. Và sách văn học luôn là những cuốn sách phải bù lỗ, còn muốn có lãi thì nên…giải trí, hơi rẻ tiền. Sự phát triển của dòng văn học giải trí chính là đáp ứng một phần thị hiếu của công chúng. Nhưng cũng cần hiểu rằng, để viết được một cuốn sách giải trí đúng nghĩa, nghĩa là đơn thuần hấp dẫn về mặt nội dung là điều rất vất vả và phải nhà văn rất có tài mới có thể làm được. Còn hầu hết các cuốn sách giải trí hiện nay tại Việt Nam đều ăn khách đôi khi vì cái tên sách hoặc vì những thứ ngoài văn chương.

Khi sự phát triển của văn học bị thiên lệch, lẽ tất yếu, sẽ khiến nhiều người làm nghề nghiêm túc cảm thấy tủi phận. Nhưng, ở đâu và khi nào cũng vậy. có lẽ cần thời gian để mọi thứ đi vào trật tự, bởi chúng ta không thể quản lý hay bắt bạn đọc xếp hàng và bao cấp những cuốn sách theo ý mình. Và việc mua một cuốn sách thể hiện nhu cầu và trình độ của từng người. Khi những cuốn sách gây sốc được bán chạy và tìm kiếm điên loạn, nghĩa là khi ấy người đọc tìm đến sách vì tò mò những thứ ngoài văn chương chứ chưa phải giá trị của nó.

Theo An ninh thế giới

Đọc thêm