Thời gian qua, dù nhiều tuyến đường được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng nhưng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào những giờ cao điểm. Nguyên nhân chủ yếu do lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, ý thức tham gia giao thông của lái xe kém... Thực trạng trên đang đặt ra cho thành phố trong tương lai cần tập trung đầu tư lớn việc cải tạo, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hệ thống giao thông nội thị.
|
Đường Đình Vũ xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc, các lái xe chen nhau vượt, gây lên cảnh hỗn loạn trên đường |
Báo động “đỏ”
Gần đây, Cảng Hải Phòng thường xuyên bị ách tắc giao thông, ảnh hưởng trực tiếp tới việc vận chuyển, tập kết và giải toả hàng tại cảng do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kết nối chung quanh các cảng nằm dọc tuyến đường Chùa Vẽ- Đình Vũ, đặc biệt là ngã ba khu vực nối giữa Chùa Vẽ, đường Nguyễn Văn Linh và đường đến khu công nghiệp Đình Vũ quá tải.
Đơn cử, ngày 27-8, hàng trăm xe công-ten-nơ bị ùn tắc kéo dài hơn 5km dọc tuyến đường Lê Thánh Tông và đường Đình Vũ dẫn vào cảng Hải Phòng. Suốt từ 3 giờ đến 15 giờ 30 cùng ngày, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không được giải tỏa hàng hoá lưu thông từ cảng Hải Phòng đi các tỉnh, thành phố bị ngừng trệ. Đây là tuyến đường bộ huyết mạch và duy nhất nối giữa cảng Hải Phòng với Quốc lộ 5 về Hà Nội và các tỉnh, phục vụ yêu cầu vận chuyển hàng hoá từ các nơi tập kết đến cảng và ngược lại, rút hàng nhập khẩu từ cảng đi các địa phương. Hiện gần 90% sản lượng hàng xuất, nhập khẩu qua cảng được vận chuyển qua tuyến đường bộ này bằng xe công-ten-nơ tải trọng lớn, thậm chí có không ít hàng siêu trường, siêu trọng khiến tuyến đường luôn trong tình trạng quá tải.
Thực tế cho thấy, trong khi việc vận chuyển hàng hoá qua hệ thống đường sắt, đường thuỷ còn rất hạn chế (chưa đầy 10% tổng sản lượng hàng qua cảng), hệ thống đường bộ chung quanh các cảng thuộc khu vực Hải Phòng đang nảy sinh nhiều bất cập, không đáp ứng kịp yêu cầu tăng trưởng hàng hoá qua cảng hằng năm từ 10% trở lên. 8 tháng của năm 2010, sản lượng hàng thông qua các cảng trên địa bàn thành phố đạt hơn 23 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng 66,2% kế hoạch (35 triệu tấn hàng) của cả năm 2010 (vượt 5 triệu tấn so với 2009), trong đó có gần 18 triệu tấn được vận chuyển bằng đường bộ. Nhằm đáp ứng yêu cầu tập kết, giải toả tại cảng, bình quân mỗi ngày có từ 80 đến 90 nghìn tấn hàng qua cảng "đi" trên đường bộ với khoảng 2.500- 3.000 lượt xe ô tô vận chuyển công-ten-nơ có tải trọng khoảng 30 tấn/ chuyến.
Đây là một trong những điểm “nóng” về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố gần đây. Theo Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Đàm Xuân Lũy, mạng lưới giao thông đường bộ thuộc địa bàn thành phố hiện có khoảng 20 "điểm đen" ùn tắc giao thông, tập trung hầu hết ở các điểm giao cắt thuộc địa bàn các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, thậm chí có những điểm mà tình trạng ùn tắc đang diễn ra hết sức trầm trọng, đặc biệt tại nút giao ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ. Thời gian xảy ra ùn tắc chủ yếu trong giờ cao điểm buổi chiều từ 16 tới 18 giờ. Ngoài ra còn một số nơi ùn tắc từ 7 đến 8 giờ, một số nơi xảy ra ùn tắc đột xuất. Các vụ ùn ứ giao thông với thời gian ngắn xuất hiện nhiều hơn và xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Thực trạng trên đang đặt ra cho thành phố cần tập trung đầu tư lớn việc cải tạo, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hệ thống giao thông nội thị.
|
Các phương tiện tham gia giao thông chen chúc trên đường Lạch Tray |
Sớm hoàn chỉnh hệ thống giao thông
Nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông, theo ông Đàm Xuân Lũy, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh, người tham gia giao thông và hành trình đi lại tăng, trong khi diện tích đường tăng không đáng kể. Ý thức chấp hành luật của người tham gia lưu thông chưa cao, trong đó không ít cán bộ, đảng viên. Văn hóa giao thông kém nên từ một vụ ùn ứ nhỏ có thể dẫn đến vụ ùn tắc giao thông lớn... Bên cạnh những nguyên nhân trên còn một số nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý và thực hiện các dự án đào đường còn nhiều bất cập; công tác quản lý vỉa hè, lề đường còn buông lỏng; công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật pháp giao thông của người dân còn yếu; công tác tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế…
Trước mắt để hạn chế tình hình ùn tắc, Sở Giao thông- Vận tải phối hợp các cơ quan, đơn vị cải tạo các nút giao thông, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; tăng cường tuần tra, xử phạt các hành vi vi phạm; chấn chỉnh trật tự đô thị và lập lại trật tự lòng, lề đường; chấn chỉnh vận tải hành khách công cộng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; tăng cường lực lượng tham gia điều tiết lưu thông tại những khu vực thường xảy ra ùn tắc…
Để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông một cách căn bản, thành phố nhanh chóng đẩy mạnh triển khai dự án phát triển giao thông đô thị với tổng đầu tư 273 triệu USD bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới kết hợp vốn đối ứng trong nước. Theo đó, xây dựng 8 nút giao đồng mức và khác mức, 10 km đường từ Quốc lộ 10 đến Đồng Hòa (Kiến An) với bề rộng mặt đường 68 m, 4 làn xe cơ giới, tốc độ khai thác 60-80km/giờ; xây dựng 10 km đường phố chủ yếu từ Đồng Hòa tới đường liên phường quận Hải An rộng 50,5m, sửa chữa đường Trường Chinh, Cầu Niệm 1, xây dựng 5 cầu vượt sông và đường bộ. Mặt khác, tranh thủ nguồn vốn trung ương triển khai xây dựng 17,5 km Quốc lộ 37 nối giữa huyện Vĩnh Bảo với huyện Ninh Giang (Hải Dương); tuyến tránh Quốc lộ 10 qua Kiến An theo hướng đi Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Thủy Nguyên- Kinh Môn, đường trục chính mới qua trung tâm huyện Thủy Nguyên đến xã Ngũ Lão- thị trấn Minh Đức; hoàn thành việc xây dựng cầu Khuể, cầu Rào 2 sớm đưa vào khai thác trong 1-2 năm tới, nghiên cứu xây dựng cầu Bính 2 qua sông Cấm, chủ động phá thế ách tắc giao thông trong tình huống một trong những cầu vượt sông Cấm bị hư hỏng, hoặc dừng hoạt động để bảo dưỡng, sửa chữa…
Thực tế cho thấy, để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông, Hải Phòng cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi các cơ quan chức năng, tham mưu của thành phố phải năng động, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; bám sát các bộ, ngành Trung ương để khai thác nguồn vốn trong nước kết hợp tranh thủ các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư thông qua nhiều hình thức, góp phần từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông thành phố, góp phần giải toả ùn tắc giao thông đô thị.
Thảo Nguyên
Ảnh: Trường Giang