Sớm gỡ vướng mắc trong xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án

(PLO) -Công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS cho người phải thi hành án đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự. Tuy nhiên, cơ quan THADS vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng và điều kiện để được xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước, đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục.
Hình minh họa
Hình minh họa

Nhằm tạo điều kiện cho các phạm nhân là người phải thi hành án (phần lớn không có tài sản hoặc thu nhập để thi hành nghĩa vụ đối với Nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức) được nhận chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, pháp luật về THADS đã có quy định về việc miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể là Điều 61 Luật THADS năm 2014 và Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Trên cơ sở các quy định tại Điều 61 Luật THADS năm 2014 và Thông tư liên tịch số 12, các cơ quan THADS đã triển khai thực hiện, tổ chức có hiệu quả đối với phần dân sự trong các bản án hình sự. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cơ quan THADS vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định trong Luật THADS năm 2014 và Thông tư liên tịch số 12 có liên quan đến phạm vi áp dụng và điều kiện để được xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.

Chẳng hạn, với trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án diễn ra tương đối phổ biến khiến cơ quan THADS gặp nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quá trình tổ chức thi hành án thì đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Theo đó, có quan điểm cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Có quan điểm khác lại cho rằng nếu không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì chỉ ra quyết định về việc chưa có điều kiện về thi hành án theo Điều 44a Luật THADS năm 2014; đồng thời, không có cơ sở để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo Điều 61 Luật THADS năm 2014 do không xác định được nhân thân, tài sản của người phải thi hành án. 

Không những thế, trên thực tế phát sinh nhiều trường hợp tính lãi suất chậm thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12 thì khoản lãi suất chậm thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Nhưng trong quá trình xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước đủ điều kiện theo quy định tại Điều 61 Luật THADS năm 2014 thì có nhiều quan điểm khác nhau về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án. 

Một số khó khăn, vướng mắc nói trên trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án cho ngân sách nhà nước đã làm tăng lượng án tồn đọng không thi hành được của cơ quan THADS, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi hành án nói chung và hiệu quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự nói riêng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án là phạm nhân.

Vì thế, cần sớm nghiên cứu những biện pháp, giải pháp nhằm khắc phục triệt để cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nói trên, tạo thuận lợi cho cơ quan THADS, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án và nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các bản án hình sự.

Đọc thêm