Đó là vấn đề nổi bật đưa ra tại hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp và đề xuất khả năng hợp tác giữa hai thành phố Hải Phòng-Kitakyushu” do Sở Kế hoạch và Văn hóa – Sở Kinh tế và Công nghiệp ( Kitakyushu ) và Sở Ngoại vụ - Sở Công Thương (Hải Phòng) tổ chức chiều 28-1.
Kết quả khảo sát do các sở thuộc hai thành phố Hải Phòng và Kitakyushu chỉ rõ, doanh nghiệp hai thành phố rất quan tâm và mong đợi trao đổi kinh tế với thị trường Hải Phòng và Kitakyushu nói riêng cũng như Việt Nam và Nhật Bản nói chung. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên doanh nghiệp hai thành phố chưa hiểu và thiếu phương pháp tiếp cận thị trường của nhau, đặc biệt các doanh nghiệp Nhật Bản thường ưu tiên cho Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp Hải Phòng đánh giá cao, mong muốn hợp tác với phía Nhật Bản về công nghệ sạch, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực, kỹ năng quản lý…Tuy nhiên, cũng tỏ ra lo ngại về thói quen tiêu dùng, ngôn ngữ, phong tục tập quán, các rào cản thương mại từ phía Nhật Bản.
Trong khi đó, doanh nghiệp Kitakyushu đánh giá cao lợi thế của Hải Phòng trong lĩnh vực cảng biển, hạ tầng tương đối thuận tiện, có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; lực lượng lao động có chất lượng, cần cù, siêng năng, trung thực, đồng thời tỏ rõ được mong muốn hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, thủy sản…Song, phía doanh nghiệp Kitakyushu bày tỏ lo ngại về dịch vụ hậu cần cho ngành vận tải và điện năng, kỹ năng còn yếu, trình độ quản lý, ngoại ngữ còn hạn chế.
Từ mối quan tâm cũng như lo ngại của doanh nghiệp hai thành phố, nhóm khảo sát đề xuất những biện pháp nhằm thúc đẩy trao đổi kinh tế, tương xứng với tiềm năng và khả năng. Theo đó, tiến hành trao đổi theo quy trình khép kín gồm: cung cấp thông tin- Hợp tác kinh doanh – Trao đổi nhân sự/công nghệ. Cụ thể, trước mắt sớm có chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp hai thành phố giao lưu, trao đổi làm ăn, ký kết hợp đồng kinh tế. Đặc biệt, thành lập văn phòng đại diện của Hải Phòng tại thành phố Kitakyushu . Cung cấp thông tin liên quan đến thị trường, chính sách, môi trường đầu tư…của hai thành phố, định kỳ 3-4 lần/năm. Xúc tiến thành lập trung tâm hỗ trợ trao đổi kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, khảo sát thực địa…, nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác kinh tế giữa hai thành phố.