Cảng hàng không Cà Mau là 1 trong 21 Cảng hàng không dân dụng có hoạt động khai thác thương mại trực thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nằm ở vị trí trung tâm bán đảo Cà Mau, Sân bay Cà Mau giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận…
Hiện nay, Cảng hàng không Cà Mau có đường hạ cất cánh dài 1.500m, đây là Cảng hàng không dân dụng cấp 3C, quân sự cấp 2, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay nhỏ như: ATR-72, AN-2, MIA-17, KINGAIR B200 và các loại máy bay khác có trọng tải cất cánh tương đương. Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO đã khai thác tuyến bay TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau - TP. Hồ Chí Minh với lịch bay thường lệ 01 chuyến/ngày bằng máy bay ATR 72 - 500.
|
Cảng hàng không Cà Mau |
Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhằm phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế; đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cà Mau với Chiến lược phát triển giao thông vận tải của Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau nói riêng và của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung”.
Cụ thể, đầu tư nâng cấp kéo dài đường hạ cất cánh Cảng hàng không Cà Mau đạt chiều dài 2.400m, xây dựng khu hàng không dân dụng để đạt cấp Cảng hàng không cấp 4C, quân sự cấp 2, các loại máy bay tầm trung như A320, A321 có thể hạ cất cánh (theo Quyết định số 236/QĐ -TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) và có thể khai thác các đường bay tầm trung như Hà Nội - Cà Mau - Hà Nội, Đà Nẵng - Cà Mau - Đà Nẵng...
|
Cảng hàng không Cà Mau sớm triển khai nâng cấp, mở rộng |
Cùng với đó, việc định hướng đầu tư, khai thác thêm các đường bay tầm trung nói trên sẽ tạo điều kiện cho nhiều hãng hàng không tham gia đầu tư, khai thác tuyến bay, tăng tính cạnh tranh, giảm giá vé để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tại địa phương./.
Cà Mau nằm ở cực Nam của Tổ quốc, tâm điểm các nước khu vực ASEAN, thuận lợi cho phát triển vận tải biển, kinh tế biển, khai thác dầu khí. Tỉnh có vùng biển rộng (trên 71.000 km2) là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Cà Mau có rừng ngập nước ven biển và rừng ngập lợ với hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm, có tầm quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, cân bằng môi trường sinh thái; mang đậm nét đặc thù của vùng đồng bằng Nam Bộ (nhiều sông ngòi, đầm phá, có hệ sinh thái rừng ngập nước) với nhiều điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, năm 2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng. Thu ngân sách hơn 5.500 tỷ đồng. Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu (1,1 tỷ/1,2 tỷ USD).