Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh từ nhiều hộ dân trú tại xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La về việc chưa được chi trả tiền đền bù, bồi thường thu hồi đất của các hộ thuộc diện bị thu hồi để thực hiện tái định cư xen ghép theo Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình” thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 -2015 theo Quyết định số 1460/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Khu đất bị thu hồi của người dân bản Tạ Bú để thực hiện tái định cư xen ghép chưa được đền bù. |
Trong quá trình triển khai, thực hiện đề án mặc dù đã được đo đạc, thống kê, kiểm đếm, áp giá đền bù cho gần 30 hộ dân tại 3 bản Tạ Bú, bản Búng, bản Pết (xã Tạ Bú) nằm trong diện bị thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, số hộ dân đã giao đất và tài sản trên đất… vẫn chưa nhận đủ số tiền đền bù như danh sách được công bố trước cuộc họp dân lần cuối.
Đơn thư phản ánh của người dân cũng cho biết, trong buổi họp công khai trước người dân, cán bộ UBND huyện Mường La đã hứa trong vòng một tháng sẽ có tiền ngay. Nhưng sau 6 năm chờ đợi một số hộ dân chỉ nhận được 1 phần nhỏ số tiền đền bù, số hộ còn lại vẫn chưa nhận được gì. Mặc dù, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Là hộ nằm trong diện bị thu hồi đất, ông Lò Văn Thuân, trú tại bản Tạ Bú (xã Tạ Bú, huyện Mường La) bức xúc: “Năm 2014, huyện Mường La tiến hành thu hồi đất làm Tái định cư xen ghép thuộc đề án 1460. Trước khi triển khai, thực hiện UBND huyện đã tổ chức các buổi họp tại 3 bản trong xã và trong buổi họp công khai đó, cán bộ huyện đã hứa trong vòng 1 tháng sẽ chi trả, đền bù đầy đủ cho mọi người.”
Ông Lò Văn Thuân thông tin về việc chưa được chi trả tiền đền bù. |
“Việc thu hồi đất được chia làm 2 đợt, cách nhau chỉ trong khoảng 3 tháng. Đợt 1 cán bộ huyện và chính quyền xã đã cầm tiền đến tận nhà để chi trả cho gia đình nhưng khi thanh toán lại nói lý do là cần xác minh lại chủ sở hữu đất sợ liên quan đến hộ dân khác nên phải kiểm tra lại, đợt 2 cũng không thấy có tín hiệu gì.
Quá bức xúc người dân chúng tôi đã rất nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Từ năm 2015, mỗi lần đi họp chi bộ và họp tiếp xúc cử chi, hầu như buổi họp nào cũng phản ánh nhưng chỉ nhận được câu trả lời qua loa là chưa có tiền và hứa sẽ trả trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn UBND huyện và UBND tỉnh xem xét, thanh toán số tiền còn lại cho người dân”, ông Thuân nói.
Ông Lò Văn Mằn có tổng số tiền được đền bù hơn 236 triệu đồng nhưng mới được chi trả 73 triệu đồng. |
Cùng cảnh ngộ với ông Thuân, ông Lò Văn Mằn, trú tại bản Tạ Bú, cũng bức xúc: “Diện tích đất bị thu hồi của gia đình tôi là hơn 2.000m2 gồm đất thổ cư, đất vườn và đất trồng cây lâu năm. Vào thời điểm đó, gia đình tôi đang gặp khó khăn về kinh tế cần đất để canh tác hoa màu và phát triển mô hình cây ăn quả, đến khi nghe được lời cán bộ huyện ở buổi họp các hộ dân tại bản, là trong vòng 1 tháng sẽ có tiền ngay nên gia đình tôi cũng hưởng ứng.
Thế nhưng suốt từ năm 2015 đến nay, sau nhiều lần hẹn chi trả nhưng vẫn chưa thấy tiền đâu. Tổng số tiền đền bù cho cả 2 đợt của gia đình tôi theo bảng thống kê, áp giá đền bù là hơn 236 triệu đồng, trong khi đó tôi phải lên huyện làm việc rất nhiều lần mới tạm ứng trước được 73 triệu đồng, số còn lại thì vẫn chưa thấy bên huyện gọi lên nhận. Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, sớm đền bù cho người dân để chúng tôi yên tâm canh tác”.
Không chỉ ở bản Tạ Bú mà các bản như Bản Búng và Bản Pết của xã Tạ Bú đều chịu chung hoàn cảnh. Anh Lò Văn Cường, Trưởng bản Búng (xã Tạ Bú, huyện Mường La), cho biết: “Trong bản có 15 hộ thuộc diện bị thu hồi đất, trong đó có 4 hộ phải di chuyển nhà cửa, 5 hộ phát sinh đường kè bờ suối và 6 hộ liên quan đến đường nước. Tất cả tài sản trên đất đã được chi trả đền bù, còn đất thì chưa được chi trả.
Chúng tôi cũng đã đề nghị lên HĐND xã, HĐND huyện qua những lần tiếp xúc cử chi mỗi lần như vậy chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời chung chung, anh Cường nói. Đến thời điểm hiện tại, không biết ngày nào người dân sẽ nhận được tiền mặc dù đã có bảng áp giá đền bù, mong muốn các cấp chính quyền quan tâm sớm giải quyết cho bà con nhân dân”.
Ông Cà Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú thông tin với phóng viên về phản ánh của người dân. |
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên báo PLVN đã đến gặp ông Cà Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tạ Bú. Ông Ngọc cho biết: “Về nội dung người dân phản ánh xã đã nắm được, nhưng xã chỉ là bên tổng hợp ý kiến, kiến nghị từ người dân để trình lên HĐND huyện, trong kỳ họp tới sẽ tiếp tục tháo gỡ, giải quyết ý kiến đối với 3 bản trên địa bàn xã. Qua những thông tin phản ánh từ người dân UBND huyện đã có văn bản trả lời gửi qua xã" và với lý do "để tìm lại thì hơi lâu" nên ông Ngọc hẹn "ngày làm việc khác sẽ cung cấp đầy đủ”.
Quy định tại mục 3.3 khoản 3 Điều 5 thuộc Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND tỉnh Sơn La về việc quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông đà xây dựng thủy điện Hòa Bình” thuộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2011 – 2015, nêu rõ: Hộ dân sở tại bị thu hồi đất để quy hoạch xây dựng điểm tái định cư được bồi thường đất theo quy định.
Người dân bức xúc vì chưa được chi trả tiền đền bù. |
Trở lại với đơn, thư phản ánh của người dân, khi đơn thư gửi đi không được cấp có thẩm quyền hồi đáp, họ tranh thủ những lần có đại biểu HĐND huyện về tiếp xúc cử tri tại xã Tạ Bú để kiến nghị, chất vấn nhưng đều không nhận được bất kỳ câu trả lời nào. Có hay không sự lơ là, tắc trách trong việc giải quyết kiến nghị của người dân?
Hiện nay, sau 6 năm các hộ di dân tái định cư xen ghép đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, nhưng vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng vẫn đang để lại những bức xúc cho người dân sở tại. Đến khi nào người dân sở tại mới được đền bù đủ số tiền hay lại phải “mòn mỏi” chờ tiền đền bù từ lời hứa của cán bộ?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin./