Tuyến đê biển qua xã Vĩnh Thái được khởi công xây dựng vào tháng 6/2015 và đến 10/2015 thì hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng mức kinh phí 6,5 tỷ đồng do Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Toàn bộ tuyến đê có chiều dài 14,5km, đi qua tất cả 7 thôn trong xã, trong đó hiện được bê tông hóa hơn 6km, còn 4km đê là đất yếu và cát. Phía sau tuyến đê này cách chừng 5m cũng chính là nơi sinh sống lâu đời của gần 200 hộ dân, với hơn 1500 nhân khẩu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 10 và số 12 vừa qua thì có khoảng 3,5km bờ đê ở 3 thôn Mạch Nước, Thái Lai và Tân Mạch bị sạt lở nặng. Song song với đó đường bờ biển tại xã cũng đang bị xói lở nghiêm trọng, có nơi lấn sâu vào đất liền hơn 10m.
Đặc biệt trong đó ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 12 và gió mùa ngày 4-5/11 với sóng biển cao 5-6m đánh vào bờ đã làm cho tuyến đê từ Km0+38m bị sạt hết mái ngoài, nhiều điểm sạt lở vào sâu trong lớp bê tông đến 1m, có điểm cống đập cũng đã bị cuốn bay mái...
Không những thế, dự án trồng cây dứa trên tuyến đê nhằm mục đích bảo vệ bờ đê vừa được triển khai vào cuối tháng 10/2017 với hơn 4800 cây được trồng với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng. Trong thời gian chăm sóc, đợi nghiệm thu đã bị sóng biển cuốn trôi khoảng 3500 cây.
Còn đối với đoạn đê được đắp bằng cát thì phần thân đê bị sạt lở ăn sâu vào đất liền. Đặc biệt, đoạn qua thôn Mạch Nước đến thôn Đông Luật của xã có nơi biển đã lấn sâu vào đất liền hàng chục mét. Hàng loạt cây cối ven đê có chức năng phòng hộ đã bị cuốn trôi theo sóng biển. Hiện có khoảng 4000 cây phi lao từ 3 đến hơn 20 năm tuổi trồng dọc bờ biển đã bị sóng đánh đổ ngã, nằm trơ gốc chết khô…
|
Hàng loạt cây cối ven đê có chức năng phòng hộ đã bị sóng đánh đổ ngã sau cơn bão số 12, hiện nằm nằm trơ gốc chết khô |
Trước thực trạng này, người dân địa phương vô cùng lo lắng, bởi tuyến đê từ bao đời nay có nhiệm vụ ngăn mặn, chặn sóng, bảo vệ người dân. Tuy nhiên, dưới sự tác động của thời tiết thì hiện giờ sóng đã ăn sâu vào tận móng của chân đê, chỉ cần một trận bão lớn là có thể cuốn trôi cả con đê. Nếu không có biện pháp xử lý, ngặn chặn triệt để thì đời sống, tính mạng của bà con ngư dân luôn bị đe dọa. Và về lâu dài những ngôi làng ven biển của xã cũng có nguy cơ bị “xóa sổ”.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, để đối phó với vấn nạn trên, hằng năm chính quyền xã cùng với người dân tổ chức trồng các loại cây chắn sóng để giảm thiểu thiệt hại cho đoạn đê do biến đổi khí hậu. Và các loại cây phòng hộ đã phát huy hiệu quả ngăn chặn sự tác động, xâm thực của biển. Thế nhưng, qua các đợt bão lũ, tuyến đê bị sóng biển đánh vào đưa cát đi, làm cho chân đê bị xói lở, cây cối trồng để chắn sóng bị gãy đổ, cuốn trôi…
Vừa qua, sau ảnh hưởng của các trận bão lớn, Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tu sửa, đắp lại mái, xây dựng bổ sung lại các đoạn đê bị hư hỏng, sạt lở… với kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước thực trạng bão lũ diễn biến thất thường như hiện nay, cộng với vấn nạn biển xâm thực thì biện pháp này mới chỉ là phương thức tạm thời. Người dân xã Vĩnh Thái đang rất mong sớm có được một tuyến đê chắn sóng chạy xuyên suốt bờ biển bằng bê tông vững chắc, kiên cố để họ yên tâm an cư lạc nghiệp.
|
Nhiều km đường bờ biển của xã Vĩnh Thái hiện đang bị xói lở nghiêm trọng |
Ngoài ra, ông Thọ cũng cho biết thêm, hiện tại xã còn gặp khó khăn trong vấn đề giao thông với đường trục thôn và đường ngõ xóm vẫn chưa được bê tông hóa. Hệ thống giao thông nội đồng vẫn đang là đường đất, đường cấp phối. Đặc biệt, để giao lưu, trao đổi, buôn bán với người dân ở xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) bà con trong xã phải đi bộ hoặc đi bằng đường biển. Chính vì hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện nên làm hạn chế giao liên, phát triển kinh tế và gây khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp.