Báo pháp luật Việt Nam vừa có bài phản ánh “142 hộ dân chưa an cư sau gần một nửa thế kỷ”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, trong khi hàng trăm hộ dân khai hoang, lập ấp và sinh sống ổn định gần nửa thế kỷ vẫn không được thừa nhận định cư hợp pháp, không được sửa sang lại chỗ ở để an cư thì ngay bên cạnh, trên đất rừng do Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa quản lý, nhiều căn nhà khang trang được xây dựng một cách ngang nhiên. Chưa kể, ngay trong lòng lâm trường, nhà xưởng vẫn ngày ngày chế biến gỗ bất chấp thắc mắc của dư luận về tính công minh đối với cơ quan quản lý nơi đây.
Gian nhà vách đất xập xệ tồn tại hàng chục năm nay không thể sửa chữa; góc bếp ngay cạnh chuồng heo là hoàn cảnh hiện tại của anh Nguyễn Trọng Hưởng, ngụ khu phố 4C, phường Trảng Dài. Tiếp chúng tôi khi đang nấu bữa cơm chiều, ánh mắt buồn xa xăm, trong sâu thẳm, anh Hưởng cho biết, không biết tương lai gia đình mình sẽ đi về đâu.
Ngôi nhà vách đất tồn tại gần nửa thế kỷ chưa được sửa sang |
Anh Hưởng cho biết thêm, anh sinh sống tại đây suốt 25 năm, nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa biết đến các chương trình truyền hình vì phải đi xin nhờ điện với giá quá cao. Trong nhà chỉ dám dùng một bóng đèn duy nhất làm nguồn sáng vào buổi tối. Cũng vì vậy mà dù nằm trong một khu phố của thành phố công nghiệp nhưng khi đứng đây cùng anh, chúng tôi có cảm giác như đang ở một vùng quê, xa xôi hẻo lánh.
Anh Hưởng phải chịu cảnh gian bếp ngay cạnh chuồng heo vì thấp thỏm chờ quyết định thu hồi đất |
Tương tự anh Hưởng, ngay bên cạnh là không gian sinh sống của chị Nguyễn Thị Lệ. Chị chua chát ví von căn nhà của mình như chòi tranh của những người du mục sống trong rừng xưa kia. Con cái của chị thậm chí không dám lập gia đình vì không thể xây, sửa nhà dù đã đến tuổi dựng vợ gả chồng. “Anh ấy (chồng chị) đến đây từ hồi chưa lấy tôi, giờ anh ấy đã qua đời rồi nhưng cuộc sống còn chưa đâu vào đâu”, chị Lệ buồn bã nói.
Đó cũng là hoàn cảnh chung của 142 hộ dân tại khu phố 4C phường Trảng Dài và khu phố 10 phường Tân Biên khi phải sống suốt gần một nửa thế kỷ chật vật, tạm bợ. Nay lại chịu cảnh lo âu, thấp thỏm trước quyết định 1816/QĐ.CT.UBT ngày 12/5/2005 về việc phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng và phát triển rừng phòng hộ, cảnh quan Lâm trường Biên Hòa của UBND tỉnh Đồng Nai. Vật chất thiếu thốn đã đành, đời sống văn hóa tinh thần cũng chẳng hơn gì khi mà điện, đường, trường, trạm là mơ ước từ nhiều đời nay của họ.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 10/2016, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai xin chủ trương khai thác và phát triển rừng phòng hộ phục vụ du lịch sinh thái thành phố Biên Hòa. Kế hoạch trên được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO lập phương án đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng phòng hộ.
Cũng kể từ đó, cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại KP 4C phường Trảng Dài và KP 10 phường Tân Biên trở nên khó khăn hơn khi mà những nỗ lực xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó cũng như các thủ tục hành chính khác rơi vào bế tắc.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.