Sống riêng cũng như… ở chung

Sống trong những phòng trọ thông mái, ranh giới của không gian riêng-chung mặc nhiên biến mất. Những sinh viên (SV) của phòng thông nhau phải chịu chung mùi... rác, tiếng la hét, cãi nhau, đánh bài... và nơm nớp nỗi lo mất trộm.
Sống trong những phòng trọ thông mái, ranh giới của không gian riêng-chung mặc nhiên biến mất. Những sinh viên (SV) của phòng thông nhau phải chịu chung mùi... rác, tiếng la hét, cãi nhau, đánh bài... và nơm nớp nỗi lo mất trộm.

Hễ động là nghe

Những phòng trọ thông mái là “miếng mồi ngon” của đạo chích.
Dãy trọ của Nguyễn Văn Hùng (Khoa Xây dựng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) trên đường Tôn Đức Thắng có 5 phòng với những bức tường cách mái tôn cả mét, nên nhất cử nhất động của phòng này đều “bị” phòng kia nghe tuốt. Hùng tâm sự: “Nhiều khi bạn bè xuống ngồi nói chuyện riêng cũng ngại, hễ cứ “động là nghe”, thậm chí đi… vệ sinh cũng không thoải mái chút nào”. Mỗi phòng một âm thanh: Phòng nghe nhạc, phòng xem phim, phòng đánh bài, cãi nhau… tạo ra một mớ âm thanh hỗn độn khiến nhiều SV không tài nào tu chí học hành được. Nguyễn Thị Bình An, một trong những nạn nhân của phòng trọ thông mái thở than: “Cứ đến mùa thi, muốn có không gian yên tĩnh để học thì cũng phải chờ tới 1, 2 giờ khuya”. Còn Phan Văn Hòa, ĐH Dân lập Duy Tân lại ấm ức: “Phòng kế bên mình chẳng bao giờ chịu vứt rác, cứ để đến khi bốc mùi mới chịu xách đi đổ. Có đợt về quê để rác trong phòng cả tuần làm ai cũng phải bịt mũi lại”.

Thậm chí giờ giấc ngủ nghỉ cũng bị phụ thuộc: Có người muốn đi ngủ sớm cũng không được bởi phòng bên cứ bật đèn sáng trưng; người thức học bài phải rón rén, cẩn thận từng cử động để khỏi ảnh hưởng tới các phòng khác. Hoàng Thị Thanh (SV khoa Văn, ĐH Sư phạm) bức xúc: “Từ ngày chuyển về phòng trọ xây thông mái, mình thường xuyên mất ngủ. Lúc thì vì phòng bên bật điện sáng trưng, lúc thì cười nói oang oang, tổ chức nhậu nhẹt suốt đêm không tài nào chịu nổi”.

Bi hài nhất là những SV ở cạnh phòng những cặp sống “thử” hoặc vợ chồng, dù không muốn nhưng cũng phải nghe những âm thanh “chướng chướng”, mà chẳng thể nào góp ý được vì đó là chuyện tế nhị. Ngược lại, các cặp tình nhân, đôi khi muốn “nhỏ to”, “rục rịch” cũng có phần ái ngại.

Vừa lo mất trộm, vừa sợ “dòm” trộm
Chất va-li, thùng giấy là biện pháp phòng trộm tạm thời.
Không chỉ những khó chịu hằng ngày, phòng thông mái còn đem lại cho SV không ít nguy hiểm.

Lo lắng đầu tiên là “đạo chích hàng xóm”, bởi những tên trộm hàng xóm có lợi thế: Nắm được lịch đi về của “mục tiêu” nên dễ dàng hành động. Thuận lợi hơn nữa là không cần phá khóa, cạy cửa, chỉ cần leo tường sang là coi như mọi thứ không cánh mà bay. Thành thử, những SV có máy tính xách tay, máy ảnh…, những tài sản dễ “tuồn” đi, đành chịu khó cắp theo mỗi khi muốn ra ngoài. Để phần nào khắc phục được khoảng trống lớn giữa tường và mái tôn, một số phòng trọ đã chủ động lấy thùng giấy, va-li… chắn lại.

Nữ SV thì lại thêm nỗi nơm nớp khi tắm: Đề phòng “yêu râu xanh” phòng bên cạnh “tập kích” từ bên trên, dù cửa chính, cửa sổ đã đóng cẩn thận. N.T.C, SV Khoa Giáo dục chính trị, ĐH Sư phạm kể: “Năm đầu mình ở trọ trên đường Phạm Như Xương, dãy trọ có tới 9 phòng đều xây thông mái, có bữa đang tắm, ngửa mặt nhìn lên trần nhà thì thấy cặp mắt láo liên nhìn xuống. Mình chuyển trọ ngay hôm ấy, cho đến giờ, mỗi khi tắm vẫn bị ám ảnh”. Nhiều người đành lấy rèm, giấy dán tường bịt kín trần phòng tắm. Một SV Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch phải hy sinh tấm cửa phòng tắm làm la-phông che lên trần, và chỉ việc khóa cửa ngoài khi tắm. Còn phòng trọ của Nguyễn Thiên Trà, SV ĐH Dân lập Duy Tân, chủ nhà không lắp đặt cửa phòng tắm nên cứ mỗi lần tắm là Trà phải nhờ bạn cùng phòng đứng canh… trần nhà.

Lý giải cho việc xây nhà kiểu thông mái, không ít chủ trọ cho rằng đó là cách đơn giản để tiết kiệm công và vật liệu. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một dãy trọ kiệt 454 Tôn Đức Thắng nói kiểu “trời ơi”: “Cũng đều là SV với nhau cả, chắc chả có ảnh hưởng gì đâu”.

Trần Hiền

Đọc thêm