Vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng Năm, trên toàn thế giới là Ngày tưởng nhớ những người đã tử vong vì căn bệnh AIDS quái ác. Năm nay, ngày này rơi vào 16 tháng Năm. Dịp tưởng nhớ như vậy tiến hành lần đầu tiên vào năm 1983 tại San-Francisco, với một số người Mỹ trực tiếp vấp phải thảm họa từ căn bệnh thế kỷ. Theo tư liệu của Tổ chức Y tế toàn thế giới, vào thời điểm hiện tại, bệnh AIDS lây nhiễm ở gần 60 triệu người, 25 triệu đã chết, trong đó 74 nghìn là người Nga.
|
Ngày tưởng nhớ được tiến hành không chỉ để nhớ về những sinh mạng đã bị bệnh dịch truyền nhiễm AIDS cướp đi, — Lãnh đạo Trung tâm phương pháp lý luận-khoa học Liên bang Nga về phòng chống AIDS, Viện sĩ Vadim Pokrovski nhận xét.
“Chúng ta tập hợp trong ngày này để gửi thông điệp chung tới những người đang sống: hãy đừng để có thêm ai đó bị chết bởi căn bệnh truyền nhiễm này. Cần nói rằng, tình hình ở Nga về bệnh AIDS hiện nay là tồi tệ nhất trong suốt những năm qua. Tôi bắt đầu làm việc từ 25 năm trước, khi đó chưa hề có một trường hợp AIDS nào ở đất nước ta. Còn bây giờ chỉ theo đăng ký chính thức tại Nga có gần 550 nghìn trường hợp nhiễm HIV”.
Cũng giống như ở nhiều nước khác trên thế giới, con số tử vong vì AIDS ở Nga qua mỗi năm đều tăng: nếu 2007 có 11 nghìn người chết, thì năm ngoái 2009 số này đã là gần 14 nghìn, — Viện sĩ Vadim Pokrovski tiếp tục nêu những số thống kê đáng buồn:
“Tuổi trung bình của những người bị chết chưa đầy 33. Có nghĩa đều là những người còn trẻ, đang ở độ sung sức thăng hoa nhất. Ở đây nói về tình trạng hết sức bi thảm, khi cuộc sống trẻ trung bị bẻ gãy giữa chừng. Tồn tại quan điểm rằng, những người chết bởi AIDS chủ yếu là do lượng ma túy quá liều mà người nhiễm bệnh hay dùng để chống chọi với những cơn đau đớn. Nhưng thực tế thống kê cho thấy rằng chỉ 15% người mắc AIDS chết bởi ma túy quá liều hay nguyên nhân ngoại cảnh nào khác”.
Mặt khác, như Viện sĩ Pokrovski nói rõ, sử dụng ma túy vẫn là con đường chính tán phát vi trùng HIV và lây lan bệnh AIDS. Năm ngoái, trong tổng số bệnh nhân AIDS thì hơn 61% nhiễm căn bệnh tử thần chính bởi con đường như vậy. Đồng thời, tại Nga những năm gần đây gia tăng con số người mắc bệnh bởi những liên hệ tình dục đồng giới, và số nữ nạn nhân AIDS cũng nhiều hơn so với trước.
Theo lời Viện sĩ Vadim Pokrovski, bất kể là trên thế giới ngày nay còn chưa có loại vaccine trừ diệt tận gốc bệnh AIDS, nhưng các bác sĩ hiện đang sở hữu gần 30 loại thuốc men khá công hiệu có khả năng trấn áp làm suy yếu virus gây bệnh. Với sự hỗ trợ của những loại thuốc này, có thể khôi phục từng phần khả năng miễn dịch của người bệnh, biến AIDS từ chỗ là tử thần thành một thứ bệnh mãn tính. Hiện nay ở Nga có gần 70 nghìn người được cấp thuốc men chống hoạt tính virus, nhưng tổng số người cần đến liệu pháp điều trị như vậy là hơn 100 nghìn.
Ngày 16 tháng Năm, nhiều người gắn lên áo dải băng nhỏ màu đỏ kết thành hình chữ “V”. Tác giả của biểu tượng nói lên sự cảm thông, nâng đỡ và hy vọng vào một tương lai không có AIDS là họa sĩ người Mỹ Frank Moore. Trong Ngày tưởng nhớ nạn nhân AIDS tại nhiều nước, kể cả Nga, mọi người sẽ làm những bức tranh ghép bằng vải vụn các màu. Bức tranh đầu tiên như vậy là do họa sĩ Mỹ Clive Johns tạo ra năm 1987 để tưởng nhớ người bạn thân đã chết trẻ bởi căn bệnh AIDS.
Ngày toàn thế giới tưởng nhớ những người đã chết vì bệnh AIDS vừa là lời nhắc nhở các cư dân Trái đất rằng không một ai được phòng hộ trước tử thần AIDS, mà còn là dịp giải thích cho mỗi người về cách thức phòng tránh căn bệnh này. Nhân loại đã chiến thắng nhiều thứ bệnh tật kinh khủng, và hy vọng là chắc sẽ có ngày nào đó, những từ HIV và AIDS rùng rợn rồi cũng lui vào quá khứ.